Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Iran gia nhập khối an ninh chung với Nga - Trung Quốc

Theo báo Tehran Times ngày 17/9, Iran đã chính thức được công nhận là thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Quyết định kết nạp Iran là thành viên chính thức đã được tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 các nhà lãnh đạo SCO tổ chức tại Dushanbe, Tajikistan.

Trước đó, Iran là thành viên quan sát của tổ chức này.

SCO ra đời vào năm 2001 với 6 thành viên sáng lập gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Nga, Uzbekistan và Tajikistan. Sau khi Ấn Độ và Pakistan gia nhập vào năm 2017, đến nay Iran trở thành thành viên thứ 9 của SCO. Hiện Afghanistan, Belarus và Mông Cổ là các quốc gia thành viên quan sát của SCO.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 các nhà lãnh đạo SCO thông qua việc kết nạp Iran là thành viên đầy đủ của tổ chức từ ngày 17/9. (Ảnh: ParsToday)

Tham dự hội nghị các lãnh đạo SCO lần thứ 21 có Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng những người đồng cấp Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Belarus, Pakistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Các lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Mông Cổ tham gia phát biểu trực tuyến tại sự kiện này.

Thành công của Tehran trong việc gia nhập SCO được nhìn nhận là một cột mốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này.

Kể từ năm 2005, Iran đã tìm cách thay đổi “tư cách quan sát viên” thành tư cách thành viên đầy đủ của SCO nhưng luôn gặp trở ngại. Một số khác biệt với Tajikistan - dù hai bên có nhiều điểm tương đồng về văn hóa - đã khiến Iran không thể tham gia đầy đủ vào tổ chức này.

Tuy nhiên, với việc Tổng thống Ayatollah Raisi lên nắm quyền ở Tehran, những khác biệt này sắp chấm dứt. Không phải ngẫu nhiên mà chính quốc gia ngăn cản tư cách thành viên của Iran hiện đang tổ chức Hội nghị thượng đỉnh SCO và chào đón Tehran gia nhập tổ chức này.

Ngoài những lợi ích kinh tế từ việc trở thành thành viên chính thức SCO, việc Tehran gia nhập tổ chức này sẽ là một dấu hiệu khác cho thấy sự thay đổi của chính quyền Ayatollah Raisi trên nền tảng đối ngoại cân bằng của Iran.

Rõ ràng, chính phủ Raisi thể hiện họ muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với một số cường quốc mới nổi ở phương Đông, bao gồm cả Nga và Trung Quốc. Việc giành được tư cách thành viên đầy đủ tại SCO có thể là một bước tiến quan trọng theo hướng này.

Tư cách thành viên của SCO cũng sẽ cải thiện vị thế địa chính trị của Iran trong khu vực.

Sau khi trở thành thành viên SCO, Iran sẽ có quyền phủ quyết để ngăn chặn bất kỳ tư cách thành viên mới nào. Điều này có nghĩa là các quốc gia khác, chẳng hạn như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vẫn đối đầu với Tehran, sẽ phải tìm kiếm sự đồng ý của Iran trước khi gia nhập SCO.

Tại thời điểm này, các quốc gia đó chưa cân nhắc tham gia SCO với tư cách thành viên chính thức do mối quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ của họ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Nguồn: Báo Quốc tế

Tin mới