Theo AP, động thái mới của nhà lãnh đạo Mỹ khiến các nước EU cảm thấy bị bỏ rơi, "cho ra rìa" và coi đó như sự trở lại của thời kỳ Trump.
Sáng kiến an ninh được công bố hôm 16/9 dường như khiến mùa hè thân thiện với châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc đột ngột.
AUKUS, không bao gồm Pháp và Liên minh châu Âu được xem là diễn biến mới nhất khoét sâu vào các rạn nứt của Mỹ và châu Âu sau các động thái của Biden ở Afghanistan đến Đông Á.
Biden nuốt lời?
Sau khi lên nắm quyền, ông Biden hứa hẹn với các lãnh đạo châu Âu rằng "Mỹ sẽ trở lại" và cam kết hàn gắn quan hệ đồng minh vốn bị sứt mẻ dưới thời Trump.
Nhưng các chính sách của ông chủ Nhà Trắng gần đây cho thấy ông đang tiếp cận đơn phương trong một số vấn đề quan trọng.
Biden nói chuyện với các lãnh đạo EU trong chuyến thăm tới lục địa già hồi tháng 6. (Ảnh: EPA-EFE)
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói ông "hoàn toàn không hiểu" trước động thái mới đây của Mỹ và gọi đây là "cú đâm sau lưng".
"Quyết định đơn phương, đột ngột và không lường trước được này gợi lại rất nhiều điều ông Trump đã làm", ông Le Drian - người hồi tháng 6 từng hết lời ca ngợi Biden và nhấn mạnh "nước Mỹ đã trở lại" cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói Paris sẽ "mở to mắt để xem Mỹ đối xử với các đồng minh của nước này ra sao".
Một trong hai thành viên còn lại của AUKUS là Anh, quốc gia đã dứt áo rời EU sau màn dứt áo ra đi tốn lắm giấy mực của báo giới.
Vì AUKUS, Pháp mất đi thỏa thuận trị giá 100 tỷ USD ký kết với Australia về việc đóng mới tàu ngầm diesel.
Xét về bình diện thương mại thuần túy, sự tức giận của Pháp là điều dễ hiểu.
Nhưng các quan chức Pháp và Liên minh châu Âu cho rằng sự giận dữ của họ không đơn thuần chỉ bắt nguồn từ vấn đề thương mại. Thay vào đó, họ cho rằng AUKUS đang đặt ra câu hỏi về cách Mỹ hợp tác với EU để giảm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Một số người so sánh các hành động gần đây của ông Biden với người tiền nhiệm Trump - người theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết".
Đó là một điều đáng ngạc nhiên với một tổng thống dạn dày kinh nghiệm trong các vấn đề quốc tế và từng nhắc đi nhắc lại cam kết khôi phục quan hệ với đồng minh cũng như uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.
Mộng đẹp tan tành
Chỉ 3 tháng trước, trong chuyến thăm đầu tiên tới lục địa già với tư cách tân Tổng thống Mỹ, ông Biden được các đối tác châu Âu ca ngợi như một người hùng trong nỗ lực xoa dịu những căng thẳng xuyên Đại Tây Dương mà ông Trump tạo ra.
Nhưng cảm giác nhẹ nhõm đó giờ đã phai nhạt. Thay vào đó là sự hoài nghi, bất an.
Hạt giống bất mãn có thể được gieo từ trước đó, nhưng nó bắt đầu nở rộ vào tháng 7 khi Mỹ và Đức đạt được thỏa thuận sơ bộ, cho phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 từ Nga sang Đức, đi qua Ba Lan và Ukraine được hoàn thiện. Ba Lan và Ukraine giận dữ, đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với an ninh của họ.
Tổng thống Biden trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) tại phòng Đông của Nhà Trắng ngày 15/9/2021. Ảnh: CNN
Không lâu sau đó, Tổng thống Mỹ khiến Liên minh châu Âu trở tay không kịp với nhiều quyết định đơn phương từ Afghanistan đến Đông Á.
Mới đây nhất là sự ra đời của AUKUS. Paris và Brussels phàn nàn rằng họ không chỉ bị loại khỏi thỏa thuận mà còn không được thảo luận về nó.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói các quan chức Mỹ đã liên lạc với các đối tác Pháp để thảo luận về AUKUS trước khi cả khi nó được công bố.
Nhưng quan chức Pháp lại khẳng định Washington không hề thông báo về việc công bố AUKUS và họ chỉ được hay tin khi thỏa thuận này được đăng tải báo chí.
"Chúng tôi đã phải liên lạc với những người đồng cấp Mỹ để hỏi", ông này nói thêm.
Trong buổi họp báo mới đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bác bỏ so sánh về các hành động gần đây của ông Biden với người tiền nhiệm Trump của Ngoại trưởng Pháp.
"Trọng tâm của Tổng thống là duy trì và tiếp tục các mối quan hệ chặt chẽ của chúng tôi với các nhà lãnh đạo ở Pháp, với Anh và Australia để đạt được các mục tiêu toàn cầu của chúng tôi, bao gồm an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", bà Psaki cho hay.
Từ Brussels, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell lặp lại những lời phàn nàn của Ngoại trưởng Pháp.
Ông Borrell cho rằng Mỹ có một thời gian dài để thảo luận với Anh và Australia về AUKUS. Nhưng Washington lại chẳng hề đánh tiếng hay hỏi ý kiến EU liên quan tới vấn đề này.
“Điều đó buộc chúng tôi, một lần nữa… phải suy nghĩ về sự cần thiết phải đưa quyền tự chủ chiến lược của châu Âu lên cao trong chương trình nghị sự", ông Borrell nhấn mạnh.
EU một lần nữa cảm thấy bị bỏ rơi khi Mỹ ầm thầm xây dựng liên minh với Anh và Australia. (Ảnh: Los Angeles Times)
Chỉ vài giờ sau khi Mỹ, Anh, Australia công bố AUKUS, EU cũng trình làng chiến lược mới nhằm củng cố các mối quan hệ chính trị và quốc phòng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Không rõ Mỹ có nắm được thời điểm chiến lược này được công bố hay không.
"Chúng tôi lấy làm tiếc khi không được thông báo, không được trở thành một phần của các cuộc đàm phán. Chúng tôi phải tự lực cánh sinh, như những quốc gia khác", ông Borrell nói khi công bố chiến lược.
Từ Washington, các quan chức Mỹ vẫn đang cố gắng gạt sang một bên những lời phàn nàn của Pháp và EU.
Trong cuộc họp báo hôm 16/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định "không có sự chia rẽ khu vực" với châu Âu về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi hoan nghênh các nước châu Âu đóng vai trò quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và coi Pháp là một đối tác quan trọng", ông Blinken nói.
Nhưng lời này không đủ để xoa dịu cơn giận bừng bừng ở Paris và Brussels lúc này.