Trong báo cáo thường niên về “Xu hướng chuyển giao vũ khí quốc tế”, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá thị trường xuất nhập khẩu vũ khí thế giới trong giai đoạn 2016-2020 vẫn mức tăng trưởng đáng kể. Mỹ, Pháp và Đức trở thành các quốc gia chiếm hầu hết thị phần, trong khi đó xuất khẩu vũ khí của Nga và Trung Quốc lại có dấu hiệu chững lại.
Xuất nhập khẩu vũ khí vẫn ở gần mức cao nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, mặc dù điều này có thể thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
"Còn quá sớm để nói liệu thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng trong việc chuyển giao vũ khí hai thập kỷ qua đã kết thúc hay chưa. Tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 có thể khiến một số quốc gia đánh giá lại việc nhập khẩu vũ khí của họ trong những năm tới. Tuy nhiên, đồng thời, ngay cả ở đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2020, một số quốc gia vẫn ký các hợp đồng lớn cho các loại vũ khí lớn", Pieter D. Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI đánh giá.
Xuất khẩu vũ khí cho đồng minh ở Trung Đông mang đến cho Mỹ nguồn thu không hề nhỏ. (Ảnh: SCMP)
Điển hình như ở Trung Đông, bất ổn kéo dài khiến nhu cầu mua sắm vũ khí ở khu vực này vẫn tăng 25% trong 5 năm qua bất chấp kinh tế khó khăn lẫn đại dịch. Điểm đặc biệt là hầu hết các hợp đồng vũ khí mới đều đến từ các quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ như Saudi Arabia (tăng 61%), Ai Cập (tăng 136%) và Qatar (tăng 361%).
Cũng cần phải nói thêm rằng dữ liệu chuyển giao vũ khí do SIPRI thống kê dựa trên các nguồn công khai từ báo chí quốc gia và khu vực, các tạp chí chuyên ngành quốc tế, cũng như báo cáo của ngành công nghiệp quốc phòng và của chính phủ các nước. Dữ liệu này không bao gồm các giao dịch buôn bán vũ khí nhỏ.
Vũ khí Mỹ vẫn dẫn đầu
Mỹ hiện vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 37% thị phần toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020, với các hợp đồng quốc phòng cho 96 quốc gia, nhiều hơn bất cứ nước nào khác. Gần một nửa (47%) trong số đó là các thỏa thuận chuyển giao vũ khí của Washington đều đến Trung Đông, chỉ tính riêng thị trường Saudi Arabia đã chiếm 24% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng trưởng khoảng 15%, càng giúp Washington nới rộng cách biệt với người Nga (đứng vị trí thứ 2).
Thị phần 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu vũ khí thế giới trong giai đoạn 2016-2020, Mỹ vẫn đang nắm giữ chắc vị trí số 1. (Ảnh: SIPRI)
Các nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ 3 và thú 4 cũng có mức tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2016-2020. Pháp tăng xuất khẩu các loại vũ khí lên 44%, chiếm 8,2% thị phần, tiếp đến là Đức với mức tăng 21%, chiếm 5,5%.
Nga và Trung Quốc đều chứng kiến kim ngạch xuất khẩu vũ khí giảm. Xuất khẩu vũ khí của Nga chỉ chiếm 20% thị phần toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020, giảm khoảng 22% so với thời điểm 2010. Nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này là việc Ấn Độ ngưng nhập khẩu vũ khí từ Nga, New Delhi bắt đầu chuyển hướng sang các dòng vũ khí của phương Tây, trong đó có cả các loại vũ khí từ Mỹ.
Theo đánh giá của Alexandra Kuimova, một trong số nhà nghiên cứu của SIPRI cho rằng, mặc dù Nga gần đây đã ký các hợp đồng vũ khí lớn mới với một số quốc gia và xuất khẩu của nước này có thể sẽ dần tăng trở lại trong những năm tới, nhưng nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Mỹ ở hầu hết các khu vực.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới trong giai đoạn 2016–2020 đã giảm 7,8%. Vũ khí của Trung Quốc chiếm khoảng 5,2% thị phần toàn cầu. Pakistan, Bangladesh và Algeria vẫn là những nước mua sắm vũ khí lớn nhất của Trung Quốc.
Thị trường châu Á đầy tiềm năng
Mặc dù không sôi động hay có các hợp đồng vũ khí “khủng” như ở Trung Đông, thị trường châu Á – Thái Bình Dương vẫn chiếm khoảng 42% số thỏa thuận chuyển giao vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020. Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc và Pakistan vẫn là các quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất trong khu vực.
Nhật Bản cũng nổi lên như thế lực mới khi nước này đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng, nhập khẩu vũ khí của Tokyo cũng đã tăng 124% trong giai đoạn 2016–2020.
Một cái tên khác cũng cần được nhắc đến là Đài Loan bởi hòn đảo này đạt được các hợp đồng mua sắm vũ khí lớn từ Mỹ, dù vậy nhập khẩu vũ khí của Đài Bắc trong giai đoạn 2016-2020 thấp hơn 5 năm trước đó.
Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành một thị trường đầy tiềm năng cho các công ty vũ khí, khi các quốc gia trong khu vực đều chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. (Ảnh: Ritsu-CDG)
Giải thích về nhu cầu mua sắm vũ khí ở châu Á tăng trưởng mạnh, Siemon T. Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI cho biết: “Đối với nhiều quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các mối đe dọa từ Trung Quốc đang trở thành động lực khiến họ phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, ngoài việc mua sắm vũ khí họ còn hướng tới tự sản xuất một số loại vũ khí.”
Trái ngược với xu hướng trên, nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ đã giảm 33% trong giai đoạn 2016–2020. Nga là nhà cung cấp bị ảnh hưởng nhiều nhất, mặc dù New Delhi có nhập khẩu thêm vũ khí của Mỹ nhưng con số này cũng đã giảm 46%. Việc nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ giảm dường như chủ yếu là do quy trình mua sắm phức tạp của nước này, kết hợp với nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Ấn Độ đang lên kế hoạch nhập khẩu vũ khí quy mô lớn trong những năm tới từ một số nhà cung cấp khác đến từ châu Âu.