Kể từ khi ra mắt năm 2007 tới nay, bộ nhớ trong của iPhone luôn cố định, người dùng muốn thêm hay bớt dung lượng chỉ có cách thay máy mới, không có lựa chọn khe gắn thẻ nhớ mở rộng. Thiết kế này "bất di bất dịch" với mọi smartphone của Apple và một số flagship chạy Android đến từ các nhà sản xuất khác cũng bắt đầu làm điều tương tự.
Tuy nhiên, để biết chính xác bản thân cần một chiếc điện thoại có bộ nhớ trong bao nhiêu GB cần một chút mẹo, nếu người dùng không muốn phải bỏ tiền oan cho dung lượng dư thừa, hoặc bị thiếu so với nhu cầu thực tế. Trên thị trường, bộ nhớ trong của iPhone thấp nhất còn lưu hành là 64 GB, còn 128 GB là phổ biến. Cao hơn có mức 256 GB, 512 GB và 1 TB hiện là tối đa. Mỗi phiên bản chênh nhau tới vài triệu đồng.
Bộ nhớ trong 64 GB giờ đã không còn tối ưu.
Cách tốt nhất và cũng là hướng được chính Apple khuyên áp dụng khi lựa chọn bộ nhớ trong cho máy trước khi quyết định "xuống tiền" sở hữu là nhìn vào dung lượng của thiết bị hiện tại. Chiếc điện thoại đang sử dụng sẽ phản ánh chính xác nhu cầu lưu trữ của từng người dùng.
Nếu bộ nhớ máy hiện tại còn dư nhiều, người dùng chỉ nên mua iPhone có dung lượng tương đương với model đang dùng. Việc mua phiên bản lưu trữ cao hơn dễ khiến tốn thêm tiền mà chẳng bao giờ dùng tới. Apple và các chuyên gia khuyến cáo không nên thấy máy còn dư bộ nhớ trong nhiều mà lựa chọn mẫu có dung lượng bé hơn khi đổi điện thoại.
Nguyên nhân chính bởi người dùng cần dự trù phần bộ nhớ trống nhất định cho các nhu cầu tương lai. Các thay đổi này gồm có tải thêm nhạc, quay video, chụp hình, đặc biệt khi smartphone mới thường có chất lượng camera tốt hơn, đồng nghĩa các tập tin sản xuất ra sẽ có dung lượng lớn và cần nhiều chỗ trống để lưu trữ. Nhiều ứng dụng sau quá trình sử dụng cũng "tích trữ" lượng khổng lồ cookie, cache (các file tạm liên quan tới đăng nhập, lịch sử hoạt động) và "phình to" so với dung lượng ban đầu.
Ngoài ra, những bản cập nhật hệ điều hành mới, bản vá lỗi, bản nâng cấp bảo mật...đều có xu hướng nặng hơn sau mỗi lần ra phiên bản mới. Sự thay đổi về số lượng ứng dụng, game... cũng có tác động không nhỏ tới vấn đề này.
Trong trường hợp máy đang dùng đã gần đầy bộ nhớ trống hoặc chỉ còn dư vài GB tới chục GB, tốt nhất hãy tính tới việc sử dụng iPhone mới có bộ nhớ lớn hơn.
Một phương án khác khi nâng cấp iPhone mà không cần thay đổi dung lượng bộ nhớ là sử dụng dịch vụ iCloud của Apple. Nền tảng đám mây này mặc định miễn phí 5 GB lưu trữ cho tất cả tài khoản khách hàng nhà Táo. Trường hợp cần thêm, họ có thể mua dung lượng mở rộng với giá tham khảo 19.000 đồng/tháng để lấy 50 GB lưu trữ iCloud, hoặc 59.000 đồng/tháng cho 200 GB và có thể chia sẻ với các thành viên khác trong gia đình. So với việc bỏ thêm vài triệu đồng để tăng thêm bộ nhớ trong, iCloud là giải pháp kinh tế hơn nhiều.