Mỹ cho biết các tàu khu trục USS Donald Cook và USS Roosevelt sẽ không tiến vào biển Đen như kế hoạch. Báo chí quốc tế và nhiều chuyên gia phân tích đang đặt ra các câu hỏi về nguyên nhân tại sao Mỹ bất ngờ huỷ kế hoạch này. Phải chăng Washington lo ngại sức mạnh của hải quân Nga ở khu vực?
Vì sao Mỹ hủy kế hoạch?
Politico dẫn nguồn quan chức Mỹ cho hay, việc Lầu Năm Góc hủy kế hoạch điều 2 tàu chiến USS Donald Cook và USS Roosevelt đến biển Đen là điều hoàn toàn bình thường. Ý định điều tàu chiến đến biển Đen của Mỹ cũng không phải nhằm gửi bất kỳ tín hiệu mới nào đến Nga hay các nước trong khu vực và là hoạt động thường xuyên diễn ra mỗi năm.
Đầu tháng này, Hải quân Mỹ gửi thông báo tới Thổ Nhĩ Kỳ về việc hai tàu khu trục USS Donald Cook và USS Roosevelt sẽ đi qua eo biển Bosporus và eo biển Dardanelles do Ankara quản lý trên đường đến biển Đen.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Roosevelt ở Vịnh Souda, Hy Lạp. (Ảnh: Politico)
Đến tuần trước, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho hay: “Chúng tôi thường xuyên điều tàu và tiến hành các hoạt động ở Biển Đen và trên khắp khu vực hoạt động của Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Âu”. Vị này cũng cho hay, các tàu USS Donald Cook và USS Roosevelt đang ở Địa Trung Hải để tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải. Để đến biển Đen, các tàu này sẽ phải mất vài ngày di chuyển, do đó, quyết định huỷ kế hoạch không ảnh hưởng, hay khiến cho các tàu này phải chuyển hướng bất ngờ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nổ ra các cuộc giao tranh ở Đông Âu giữa binh sĩ Ukraine và lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn, Lầu Năm Góc quyết định không thực hiện chuyến đi như kế hoạch, tránh làm phức tạp tình hình, đẩy leo thang căng thẳng lên cao.
“Quyết định huỷ các chuyến đi của khu trục Hải quân Mỹ đến biển Đen trong tuần này của Lầu Năm Góc xuất phát từ những lo ngại từ Washington về căng thẳng ngày càng leo thang giữa Nga và Ukraine”, Politico trích dẫn nguồn tin cho hay.
Hoạt động của Hải quân Mỹ thường xuyên có sự thay đổi do phát sinh các vấn đề liên quan đến bảo trì hoặc điều chỉnh kế hoạch hoạt động. Nguồn tin của Politico cho hay, kế hoạch huỷ điều tàu chiến đến biển Đen mới đây của Mỹ có "vô vàn" lý do, trong đó có cả việc Washington không muốn khiêu khích Matxcơva, gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Quyết định của Bộ Quốc phòng Mỹ khi không điều tàu chiến đến biển Đen khiến giới chức Kiev thất vọng. Quan chức Ukraine cho hay, Kiev ủng hộ sự phô trương lực lượng của Washington trong khu vực khi Matxcơva liên tục điều binh áp sát biên giới phía đông nước này.
Hôm 15/4, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, Nga tuyên bố sẽ đóng cửa một phần biển Đen gần eo biển Kerch đối với các tàu chiến nước ngoài cho đến tháng 10, với lý do là nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine cho hay, hành động của Nga vi phạm luật pháp quốc tế và nhắc lại Ukraine "có quyền tiến hành các hoạt động vận tải biển trong các vùng biển ở biển Đen".
Các quan chức Mỹ lưu ý rằng Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tái khẳng định cam kết của Washington đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và gần đây đã phê duyệt khoản viện trợ trị giá 125 triệu USD để giúp nước này bảo vệ biên giới, trong đó có chuyển gia hai tàu tuần duyên có trang bị vũ khí và radar.
Hạm đội biển Đen của Nga mạnh cỡ nào?
Biển Đen là tên một trong những hạm đội hùng mạnh nhất của Hải quân Nga. Đây là lực lượng chủ chốt bảo vệ lợi ích Nga ở Địa Trung Hải. Hạm đội biển Đen đóng tại nhiều bến cảng khác nhau ở biển Đen và duyên hải biển Azov kể từ năm 1783. Căn cứ chính của nó từ thế kỷ thứ 18 đến nay đóng tại thành phố cảng Sevastopol (Crimea).
Xuất phát từ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hạm đội biển Đen nên thời gian qua, Nga ra sức tăng cường sức mạnh cho lực lượng này. Theo đó, Matxcơva thay thế một loạt chiến hạm cũ đã hết hạn sử dụng, nâng cấp những chiến hạm hiện đóng vai trò xương sống trong hạm đội.
Chuyên gia Micheal Peterson đến từ trường Hải chiến Mỹ, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, việc hiện đại hóa Hạm đội biển Đen đã hỗ trợ tái thiết lập vị thế thống trị của quân đội Nga trong khu vực. "Sự thống trị hàng hải của Nga ở biển Đen đã quay trở lại. Sự thay đổi này có thể thực hiện được nhờ việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và sau đó là việc xây dựng khả năng chiến đấu và thực thi pháp luật hàng hải trong khu vực", Micheal Peterson cho hay.
Đến nay, Hạm đội biển Đen của Nga đã biên chế hàng trăm tàu các loại, trong đó có khoảng hơn 50 chiến hạm, 6 tàu ngầm, khoảng 50 máy bay chiến đấu các loại và hàng chục nghìn binh sĩ.
Đóng vai trò soái hạm trong Hạm đội biển Đen chính là tuần dương hạm Matxcơva. Tuần dương hạm Matxcơva được xem như một tổ hợp phòng không khổng lồ trên biển, với tổ hợp phòng không tầm xa trên hạm S-300F với 64 tên lửa hải đối không, cùng với tổ hợp phòng không tầm gần OSA-MA.
Matxcơva còn được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” khi sở hữu tới 16 tên lửa chống hạm tầm xa P-500 Bazalt hoặc Vulkan P-1000 có tầm bắn lên tới 500km. Ngoài ra, Matxcơva còn mang theo các trực thăng chống ngầm Ka-25 hoặc Ka-27.
Hạm đội biển Đen được biên chế các tàu ngầm hạt nhân chiến lược. (Ảnh: Mil.ru)
Hạm đội biển Đen của Nga hiện có 4 tàu chiến trang bị tên lửa cỡ nhỏ thuộc Dự án 21631 là Vyshny Volochek, Orekhovo-Zuevo và Ingushetia. Đầu năm nay, Hạm đội biển Đen được biên chế thêm tàu chiến trang bị tên lửa cỡ nhỏ "Grayvoron”. Các tàu thuộc dự án này có độ rẽ nước lớn hơn và được trang bị tên lửa tầm xa có độ chính xác cao mới nhất, vốn là hệ thống tên lửa đa năng Kalibr-NK được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên biển và ven biển.
Nga cũng đang nỗ lực nâng cao khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình cho Hạm đội biển Đen. Nổi bật nhất là 6 khu trục hạm lớp thuộc đề án 11356 P/M tăng cường khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr, có nhiệm vụ đối phó với các tàu nổi và tàu ngầm, độc lập hoặc phối hợp phản công các vụ không kích. 6 khu trục hạm này gồm Đô đốc Grigorovich, Đô đốc Essen, Đô đốc Makarov, Đô đốc Butakov, Đô đốc Istomin và Đô đốc Kornilov.
Hạm đội biển Đen của Nga cũng được trang bị 6 tàu ngầm Kilo trang bị Kalibr-PL và 6 tàu hộ tống lớp Buyan-M trang bị Kalibr-NK… Đội tàu hùng hậu, trang bị đa dạng các loại vũ khí hiện đại, Hạm đội biển Đen đủ sức hạ nhiệt những cái “đầu nóng” của bất cứ đối thủ nào.
Hạm đội biển Đen hiện chỉ sở hữu ba tàu hoa tiêu phóng lôi tương đối lỗi thời được chế tạo vào đầu những năm 70. Chiếc còn lại thuộc dòng Cormorant, được bàn giao vào giai đoạn cuối Chiến tranh. Theo dự án 1388NZT, Hạm đội biển Đen sẽ được bổ sung thêm hai tàu hoa tiêu. Điều này sẽ tăng sức mạnh lực lượng tàu hoa tiêu ngư lôi của mình lên 1,5 lần.
Chuyên gia Dmitry Gorenburg thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) cho rằng, việc Nga phát triển các loại tên lửa đất đối không và trang bị tên lửa trên các tàu chiến có ý nghĩa trong việc gia tăng sức mạnh của Nga trong khu vực.
“Việc triển khai tên lửa S-400, Bastion, và Bal cho phép quân đội Nga thiết lập vùng chống tiếp cận bao phủ gần như toàn bộ Biển Đen. Bằng cách sử dụng kết hợp tên lửa đối đất và đối hạm, được hỗ trợ bằng tác chiến, quân đội Nga có thể ngăn cản sự di chuyển của quân đội vào Biển Đen”, Dmitry Gorenburg phân tích.
Ngoài trang bị vũ khí cho Hạm đội biển Đen, Nga hiện cũng chú trọng chất lượng huấn luyện chiến đấu của những binh sĩ tại đây. Hạm đội này cũng đang duy trì hoạt động của các phi đội tiêm kích đa năng Su-30SM, ngoài ra còn có hàng loạt máy bay trinh sát và săn ngầm với sức mạnh vượt trội.