Muốn làm tốt việc này thì xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng là tất yếu, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Trước những thách thức đặt ra trong việc cung cấp các mặt hàng rau, củ, quả và thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, Công ty cổ phần suất ăn Công nghiệp Hà Nội đã thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát.
Sản phẩm OCOP giá đỗ 3 sao của HTX An Phát được thị trường tiêu thụ rất lớn.
HTX đã ký kết thu mua rau sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của thành viên các HTX Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc (Thanh Trì), HTX Văn Đức, Yên Thường, Chử Tâm (Gia Lâm). Những sản phẩm rau, củ quả, thực phẩm sạch này được cung cấp cho nhu cầu của người dân, một số doanh nghiệp và các nhà trường có suất ăn bán trú thông qua chuỗi cửa hàng liên kết “Thực phẩm an toàn có truy suất nguồn gốc” do UBND huyện Thanh Trì thành lập.
Chị Ngô Thị Như, thôn 2 (Yên Mỹ, Thanh Trì) cho biết, trước đây khi chưa có HTX An Phát thu mua, sơ chế rau sạch thì cơ bản là người dân tự sản, tự tiêu. “Từ khi có An Phát thì họ thu mua hết, giá thành cũng ổn định, người dân yên tâm sản xuất và không phải bán hàng vất vả như trước đây”, chị Như nói.
Còn chị Phạm Thị Chinh, ở thôn 2, Yên Mỹ chia sẻ: “Từ khi bán cho An Phát thì không phải thức khuya dậy sớm để hái rau rồi mang ra chợ ngồi bán như trước đây. Rau giờ chỉ phải hái chiều rồi đem về HTX sơ chế, phân loại, cân và thanh toán tiền. Rau, củ, quả của chúng tôi không còn phải lo lắng về đầu ra, giá cả lại ổn định nên chúng tôi rất yên tâm”.
Không chỉ thu mua rau sạch liên kết của gần 120 hộ nông dân ở xã Yên Mỹ, với hơn 20 ha mà đơn vị còn liên kết và ký kết bao tiêu toàn bộ rau sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của người dân các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc (Thanh Trì), mà doanh đơn vị còn ký kết bao tiêu thực phẩm sạch, rau sạch của các đơn vị sản xuất khác là HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (Thanh Trì) Hợp tác xã Văn Đức, Hợp tác xã rau an toàn Đặng Xá, HTX rau sạch Chử Tâm (Gia Lâm).
Về thực phẩm, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát cũng ký kết thu mua thực phẩm sạch, an toàn, có truy suất nguồn gốc tại các đơn vị cung cấp nổi tiếng như siêu thi Metro, Công ty thực phẩm Song Đạt, Công ty Lan Vinh, thịt và trứng gà gà của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty Cổ phần thực phẩm Masan, Công ty Cổ phần Ba Huân, Công ty TNHH MTV GC Hoà Phát Phú Thọ, thịt heo MEATdeli... để phân phối ra thị trường thông qua chuỗi siêu thị sạch đã được đăng ký và cấp giấy chứng nhận.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao giá trị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây cũng là nguồn thực phẩm sạch để cung cấp cho Công ty Cổ phẩn suất ăn Công nghiệp Hà Nội, Công ty thực phẩm Nhân Hoà, Công ty thực phẩm an toàn An Phát cung cấp vào bếp ăn cho nhiều nhà trường cũng như một số doanh nghiệp cung cấp suất ăn có uy tín, thương hiệu khác trên địa bàn TP Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang...
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Phát (Yên Mỹ, Thanh Trì), không chỉ có thịt lợn mới cần sự liên kết chuỗi, mà các sản phẩm nông nghiệp khác như rau, củ, quả, cá, tôm...cũng cần có sự xâu chuỗi, kết nối thì mới phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả. Ông Hùng nêu ví dụ, đơn vị của ông trồng thủy canh 2.600 m2 rau an toàn, mỗi tháng 1 lứa, trung bình mỗi ngày thu được khoảng 30kg rau các loại.
“Công nghệ trồng rau của chúng tôi được nhập khẩu và học tập của Isarel với cách thức tưới nhỏ giọt. Phân vi sinh nhập từ Hà Lan và Isarel. Tính đến nay chúng tôi trồng vừa tròn hai năm. Sau khi triển khai mô hình trồng rau thủy canh này thì các đơn vị từ Nhật, Hàn Quốc, Singapore có siêu thị tại Việt Nam đến đăng ký thu mua. Tuy nhiên, do diện tích còn hạn chế, trong khi họ cần cả tấn mỗi ngày nên HTX không đủ hàng cung cấp nên không ký hợp đồng”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, hiện nay rau của HTX chủ yếu bán cho chuỗi cửa hàng của HTX An Phát và một số nhà trường trên địa bàn huyện Thanh Trì và giáo viên thường xuyên mua về phục vụ nhu cầu của gia đình.
“Dù chưa kết nối được với nước ngoài, nhưng khi kết nối được với các đơn vị khác trong nước chúng tôi cũng thấy yên tâm hơn để sản xuất”, ông Hùng cho biết.