Thông tin tại họp báo định kỳ diễn ra chiều 27/10, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM cho hay, các loại tội phạm công nghệ cao gây nhiều bức xúc cho người dân hiện nay hoạt động cho vay tín chấp theo kiểu “tín dụng đen” núp bóng các công ty tài chính trên mạng. Các đối tượng yêu cầu người được vay thế chấp chia sẻ danh bạ và sử dụng danh bạ này để thực hiện hoạt động tội phạm.
"Đặc biệt, sau đợt dịch COVID-19, các tổ chức “tín dụng đen” hoạt động ngày càng mạnh, phát triển. Qua rà soát của PA05, thống kế hiện nay có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến do người nước ngoài cầm đầu, hoạt động có sự liên kết, chặt chẽ với các đối tượng trong nước", Thượng tá Hà nói.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM.
Đáng chú ý, ngoài lãi suất khủng thì phương thức đòi nợ của chúng mang tính khủng bố. Không chỉ riêng người vay, chúng khủng bố cả người thân, người quen gây tâm lý hoang mang từ người vay đến những người không liên quan đến việc vay mượn.
"Đây là tình trạng có thật, đang diễn biến hết sức phức tạp, gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua", Thượng tá Hà nhấn mạnh.
Thượng tá Hà thông tin thêm, vừa qua Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP.HCM đã xác minh, phá đường dây cho vay lãi nặng xuyên quốc gia do đối tượng nước ngoài cầm đầu. Đường dây này sử dụng 300 ứng dụng cho vay tiền. Qua điều tra ban đầu, có 159.000 khách hàng vay tiền với số tiền 1.802 tỷ đồng. Đến khi bị bắt, đối tượng đã giải ngân được 569,6 tỷ đồng và thu lợi 322,6 tỷ đồng.
“Một trong những nguyên nhân, điều kiện mà các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi là vấn đề lỏng lẻo trong quản lý, cấp phát thông tin thuê bao của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, các đối tượng sử dụng sim ‘rác’, tài khoản ngân hàng ‘rác’ để che dấu vết hoạt động của mình”, Thượng tá Hà cho hay.
Theo Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM, qua theo dõi, số vụ tin nhắn lừa đảo so với thời gian từ tháng 6 trở về trước đã giảm. Tuy nhiên, các chính sách nhằm thu vốn đầu tư vào Việt Nam giúp làn sóng đầu tư thiết bị công nghệ từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc vào Việt Nam không bị hạn chế nhiều. Vì thế, hoạt động của tội phạm công nghệ cao sẽ rất phức tạp.
Do đó CATP sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương quan tâm nhận diện phương thức thủ đoạn lừa đảo để thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn các vụ lừa đảo CNC, hạn chế thiệt hại trong nhân dân.
Ngoài ra, Công an TP.HCM sẽ đẩy mạnh xử lý hành vi mua bán trao đổi thông tin dữ liệu cá nhân trái phép. Đồng thời, xử lý các hành vi mua bán, thuê sim không chính chủ và hành vi mua bán cho thuê tài khoản ngân hàng ‘rác’, tài khoản giả.