Trong chương trình Thủ tướng đối thoại với công nhân có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”, chị Trần Thị Toan, cán bộ Công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (tỉnh Bình Phước) cho biết, chị đã bị kẻ cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào tín dụng đen.
"Thực tế sau dịch COVID-19, rất nhiều công nhân gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen. Tín dụng đen đang hoành hành gây hậu quả rất nghiêm trọng ở các tỉnh, thành phố. Đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP một mô hình của Công đoàn hỗ trợ tín dụng hiệu quả, thuận tiện cho công nhân nhưng nguồn lực hạn chế nên không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của công nhân", chị Toan chia sẻ.
Các công nhân tại buổi đối thoại.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng đen là vấn đề xã hội rất quan tâm. Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng quan tâm đến dẹp bỏ tín dụng đen trong đời sống xã hội.
"Qua kiến nghị của chị Trần Thị Toan, chúng tôi thấy rằng rất cần chia sẻ với người lao động bị vướng vào tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm khi người dân tiếp cận tín dụng đen mà không tiếp cận được nguồn vốn chính thức.
Thời gian tới, chúng tôi cùng Bộ Công an nghiên cứu vì sao tín dụng đen vẫn có đất để tồn tại. Điều này xuất phát từ hai phía, trước hết là vẫn còn nhu cầu vay vốn của người lao động, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, từ đó dẫn đến khi có cầu ắt có cung, tín dụng đen có đất để hoành hành", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói.
Ông Tú cũng chỉ ra việc phải làm rõ hai vấn đề. Trong đó, ông Tú cho rằng cần làm rõ nhu cầu vay chính đáng của người dân. Khi có nhu cầu vay tín dụng nhỏ, lẻ cho sinh hoạt hàng ngày thì công nhân cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng. Phần này thuộc trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp chính quyền triển khai.
Bên cạnh đó là nhu cầu vay tín dụng nhưng không chính đáng để phục vụ nhu cầu bất chính như hoạt động lô đề, cá độ hay những tệ nạn xã hội. Phần đó rõ ràng các cơ quan chức năng phải trấn áp, dẹp bỏ kể cả cầu và cung.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại buổi đối thoại với công nhân.
Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, ông Tú thấy có trách nhiệm rất lớn để người dân được tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Để làm được điều đó, ông Tú cho rằng cần hoàn thiện tiếp hệ thống luật pháp để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không cần điều kiện phức tạp hay những thủ tục gọn nhẹ để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng có thể chỉ vài chục triệu phục vụ nhu cầu thiết yếu sinh hoạt hàng ngày như đóng tiền học cho con cái, con cái ốm đau, đóng tiền thuê nhà…
"Chúng tôi đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dạn cho vay với chủ trương là cho vay, phát triển thị trường nhỏ lẻ; thứ hai là sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn; tăng cường cho ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân", ông Tú nhấn mạnh.
Ngay tại buổi đối thoại, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo 2 công ty thuộc 2 ngân hàng thương mại lớn: FE CREDIT là công ty tài chính thuộc ngân hàng VPBank và Công ty thuộc HD Bank cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay đến tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân.
Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát cho vay để đạt được nhu cầu chính đáng của công nhân. Ngân hàng Nhà nước rất mong có sự phối hợp của Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng phối hợp để cho vay đúng người, quản lý được khoản tiền vay, cho vay đúng mục đích với mức lãi suất bằng 50% lãi suất hiện nay.
Cũng tại buổi đối thoại, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, liên quan tín dụng đen, các đối tượng rất tinh vi, lợi dụng và tạo vỏ bọc là các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính.
Những kẻ cho vay không thế chấp, huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh, những người hoạt động tín dụng đen thường xuyên có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp, qua App, qua mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường.
Qua công tác đấu tranh của Bộ Công an, có lãi suất lên tới 90-100%/tháng, có lãi suất lên tới 700-1.000%/tháng. Trong quá trình đó, tín dụng đen sử dụng nhiều thủ đoạn như đe doạ, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM…
Trong 3 năm qua, Bộ Công an đấu tranh phát hiện xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 người, khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân. Do đó, tình hình liên quan tín dụng đen về cơ bản không gây bức xúc trong công nhân và xã hội.
"Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tín dụng đen, Thủ tướng có Chỉ thị 12. Chúng tôi sẽ tập trung tổ chức phòng ngừa xã hội; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen để nâng cao ý thức tự giác cho công nhân và người dân. Chúng tôi cũng chỉ đạo công an các tỉnh, thành kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động này. Qua đó, để phát hiện tội phạm vi phạm pháp luật, xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để hoạt động tín dụng đen.
Chúng tôi cũng rà soát ngành nghề kinh doanh thường bị tín dụng đen lợi dụng để núp bóng và siết chặt quản lý, triệt phá các tổ chức này, mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen", Thượng tướng Lương Tam Quang nói.