Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hơn 20 năm sống trong khu ổ chuột giữa tuyến phố sầm uất bậc nhất Đà Nẵng

(VTC News) -

Hàng chục hộ dân chịu cảnh sống khổ sở vì nhà cửa xuống cấp, môi trường ô nhiễm, hôi thối trong khu ổ chuột giữa trung tâm phố xá sầm uất của Đà Nẵng hơn 20 năm nay.

Nằm ngay giao lộ Nguyễn Văn Thoại-Ngũ Hành Sơn-Ngô Quyền, khu vực sầm uất bậc nhất Đà Nẵng nhưng hơn 20 năm qua, các hộ dân thuộc tổ 9, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn chịu cảnh sống như trong khu ổ chuột, nhà cửa cũ nát, môi trường ô nhiễm, mất sinh kế và chưa biết bao giờ thoát cảnh này.

Sống chưa lối thoát trong khu ổ chuột

Chỉ cách mặt tiền đảo giao thông Nguyễn Văn Thoại-Ngũ Hành Sơn-Ngô Quyền đúng một bức tường được dựng bằng tôn nhưng cả chục năm qua, các hộ gia đình thuộc kiệt 9, tổ 9, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn chịu cảnh sống như khu ổ chuột giữa trung tâm phố xá sầm uất bậc nhất của Đà Nẵng hiện nay.

Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VTC News, hơn 20 năm qua, khoảng trên dưới 20 hộ dân tại đây đang sống bất an vì nhà cửa xuống cấp nhưng không được sửa chữa do vướng quy hoạch treo.

Cạnh đó, cả chiều dài khoảng gần 100m của khu dân cư này (đoạn tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Thoại) bị dựng bức tường bằng tôn lâu nay trở thành nơi người ta vứt đủ loại rác thải… khiến môi trường ô nhiễm khủng khiếp.

Một góc "khu ổ chuột" tổ 9, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Theo ông Văn Công Chín (trú tổ 9, phường Mỹ An), khoảng năm 2002, gia đình ông cùng các hộ dân trong tổ nhận được thông báo của chính quyền về chủ trương quy hoạch, thu hồi đất tại đây để thực hiện Dự án Khu đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2016, ngành chức năng tổ chức đo đạc, kiểm định và thực hiện áp giá đến bù cho các hộ dân.

Riêng gia đình ông, với diện tích đất bị thu hồi hơn 110m2 nhưng mức giá đền bù chỉ gần hơn 600 triệu đồng. Năm 2017, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phát giấy mời gia đình ông đến nhận tiền đền bù nhưng ông không nhận vì mức đền bù quá thấp.

Theo thông báo phê duyệt mức bồi thường, hỗ trợ của UBND quận Ngũ Hành Sơn ngày 23/2/2017 ghi rõ gia đình tôi được bố trí một lô đất thuộc Khu đô thị Nam cầu Trần Thị Lý nhưng đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì, đất tái định cư thực tế không thấy đâu. Tôi và nhiều hộ dân thuộc diện quy hoạch rất bức xúc nhưng chẳng biết phải làm thế nào.

Hiện nhà cửa xuống cấp, mái tôn, mái ngói mục nát nhưng không được sửa chữa trong khi hầu như nhà nào cũng 3 thế hệ sống chung nên rất bức bối. Con tôi chuẩn bị cưới vợ nhưng chưa biết phải làm sao để lo cho nó cái phòng tân hôn cho tươm tất vì có được sửa chữa, cơi nới hay xây mới đâu”, ông Chín bức xúc.

Cách nhà ông Chín không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Khung cũng đang sống trong cảnh vô cùng bức bí. Các con, cháu đã lớn nhưng không có điều kiện mua nhà, đất ra ở riêng nên phải sống chung trong khi nhà đã xuống cấp, thấm dột tứ bề.

Thời điểm năm 2016-2017, khi kiểm định, đền bù, gia đình tôi được áp giá khoảng 200 triệu và đã nhận một phần trong số này. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa được bố trí tái định cư, số tiền đền bù khoảng 200 triệu đồng giờ không mua được 10m2 đất ở nơi khác chứ đừng nói đến mua một lô tái định cư. Mẹ, con và cháu chắt sống chung ở đây, chật chội quá nên phải làm giường tầng mới đủ chỗ mà ngủ”, bà Khung cho biết.

Sống trong căn nhà cấp 4 cũ nát, mái lợp Fibro xi măng gần 20 năm qua khiến anh Nguyễn Văn Huyến rất lo lắng. Đặc biệt, hiện Đà Nẵng đã vào mùa mưa bão, căn nhà có thể bị gió quật nát bất cứ lúc nào.

Mưa thì chịu cảnh trong nhà cũng như ngoài trời. Bão gió đến, phương án duy nhất là chạy đến nhà bà con để tránh trú. Bao năm rồi, chúng tôi sống quá khổ ngay giữa khu phố sầm uất bậc nhất của Đà Nẵng hiện nay mà chưa biết bao giờ mới thoát ra được. Đền bù thấp, đất tái định cư không thấy đâu nên chúng tôi lấy gì để mua đất nơi khác mà chuyển đi. Ở lại thì không được sửa chữa nhà cửa, đúng nghĩa là chúng tôi đang sống trong khu ổ chuột”, anh Huyến chia sẻ.

Những năm qua, người dân tổ 9, phường Mỹ An chịu cảnh sống lay lắt trong những ngôi nhà xập xệ, cũ nát.

Bức tường tôn tạo 2 thế giới đối lập

Người dân kiệt 9, tổ 9, phường Mỹ An chua chát bảo rằng bao năm nay, một bức tường tôn được dựng lên dọc tuyến vỉa hè đường Nguyễn Văn Thoại đã trở thành bức tường ngăn cách, tạo ra 2 thế giới rất khác nhau: Phía ngoài là phố xá thênh thang, buôn bán sầm uất, còn cả chục hộ dân sau bức tường là khu phố ổ chuột đúng nghĩa!

Ông Chín cho biết, trước đây các hộ dân trong tổ sống chủ yếu bằng kinh doanh, buôn bán khi bám vào mặt tiền đường Nguyễn Văn Thoại và Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, 5-7 năm nay, khi Nhà nước dựng bức tường bằng tôn dọc tuyến này thì người dân hết nghề kiếm sống.

Trước đây vợ chồng tôi tận dụng mở quán cháo vịt đêm ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Thoại cũng có nguồn thu để chi phí cho cuộc sống. Tuy nhiên, từ năm 2017, khi bức tường tôn được dựng lên, chúng tôi phải dừng buôn bán. Không còn cách nào khác, tôi phải đi thuê mặt bằng góc phía đường Ngũ Hành Sơn để duy trì buôn bán. Tiền thuê mặt bằng mất 5-7 triệu đồng/tháng nhưng cũng phải ráng chứ không biết làm gì mà sống”, ông Chín chia sẻ.

Tương tự, gia đình bà Khung, ông Trần Công Thắng và một số hộ khác cũng chung cảnh mất kế sinh nhai từ khi bức tường tôn dựng lên vì không thể kinh doanh, buôn bán được nữa.

Không buôn bán được nghĩa là chúng tôi mất nguồn thu nhập để lo cho gia đình. Muốn đi nhưng chưa biết đi đâu, ở thì quá cơ cực, khổ sở”, bà Khung cho biết.

Bên ngoài hàng rào tôn là phố xá thênh thang, sầm uất, còn bên trong là cảnh sống chung với rác thải, chuột bọ của các hộ dân tổ 9.

Không chỉ mất kế sinh nhai, cả chục hộ dân nơi đây còn chịu cảnh sống trong môi trường ô nhiễm kéo dài. Theo ông Thắng, từ khi có bức tường bằng tôn, khu dân cư này trở thành bãi rác, quanh năm bốc mùi hôi thối mà không có cách nào xử lý được.

Bức tường dựng lên, khu vực chúng tôi sống trở thành nơi người ta lén đổ trộm đủ thứ loại rác thải. Đáng sợ nhất là trong mớ hỗn độn rác ấy có cả chuột, rắn chết... nên bốc mùi hôi thối không tài nào chịu được. Rác, xác các loại chuột bỏ cứ ngày một dày lên, bủa vây cả tổ.

Không chỉ vậy, nhà cửa tạm bợ cũng là điều kiện để tội phạm trộm cắp hoạt động và đã có trường hợp khi người dân nghỉ trưa, kẻ trộm ngang nhiên vào nhà lục ví lấy cả chục triệu đồng. Ở đây đúng nghĩa là khu ổ chuột, chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi!”, ông Thắng bức xúc.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri do Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng tổ chức ngày 2/10 mới đây, bà Nguyễn Thị Nụ, đại diện người dân phản ánh, kiến nghị chính quyền quận Ngũ Hành Sơn và TP Đà Nẵng xem xét, giải quyết.

Theo bà Nụ, đến nay dự án quy hoạch đã hơn 20 năm nhưng không có động tĩnh gì khiến người dân rất bức xúc. "Nếu dự án tiếp tục thực hiện thì chính quyền sớm quan tâm, giải quyết tái định cư, hỗ trợ người dân đến nơi ở mới ổn định cuộc sống. Còn chấm dứt dự án, đề nghị có thông báo rõ ràng để người dân sửa chữa nhà cửa cũng như ổn định sinh kế", bà Nụ nêu.

Sau khi phía mặt tiền đường Nguyễn Văn Thoại bị rào tôn, hàng quán phải đóng cửa khiến nhiều gia đình mất sinh kế.

Trả lời kiến nghị này, lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn thừa nhận dự án kéo dài quá lâu và phản ánh của người dân là đúng.

Theo lãnh đạo UBND quận này, đây là khu đất được thành phố quy hoạch là khu thương mại dịch vụ 14 tầng (thương mại dịch vụ kết hợp lưu trú) nên khu đất sẽ được thu hồi và đấu giá.

Theo kế hoạch đặt ra, trong năm 2025 sẽ hoàn thành giải tỏa những hộ tại đây, trong đó phần lớn số hộ thuộc diện giải tỏa hoàn toàn, chỉ một số hộ giải tỏa một phần.

Châu Thư

Tin mới