Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hơn 20.000 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2021

(VTC News) -

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, năm 2021 có 20.382 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trên tổng số 2.037.307 cán bộ, công chức, viên chức cả nước.

Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức năm 2021, toàn quốc có 22,89% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 56,69% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 18,69% hoàn thành nhiệm vụ; 1,73% không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ tính trên tổng số 2.037.307 cán bộ, công chức, viên chức).

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Trong đó, đối với công chức có 18,51% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 64,45% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 10,93% hoàn thành nhiệm vụ; 6,11% không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ tính trên tổng số 247.722 cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên).

Còn với viên chức có 23,5% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 55,62% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 19,76% hoàn thành nhiệm vụ; 1,12% không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ tính trên tổng số 1.789.585 viên chức). 

Về xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo nêu rõ: "Kết quả thống kê năm 2021 có 20.382 cán bộ, công chức, viên chức  bị xử lý kỷ luật chiếm tỷ lệ 1% trên tổng số 2.037.307 cán bộ, công chức, viên chức cả nước (trong đó cán bộ, công chức là 12.651  người, chiếm 0,62%; viên chức là 7.731 người, chiếm 0,38%)".

Trong báo cáo của người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng đề cập đến vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2022 (tính đến tháng 6/2022), các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức (trong đó 74.495 viên chức giáo dục 38.147 viên chức y tế).

Các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện việc tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng (tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính); cắt giảm yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ (trường hợp đã có chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học thì không phải nộp chứng chỉ); trường hợp vị trí việc làm yêu cầu bắt buộc phải có trình độ tin học hoặc ngoại ngữ thì phải thi tuyển nhưng không phải nộp chứng chỉ; đồng thời phân loại theo từng nhóm đối tượng (sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ; người cử tuyển là người dân tộc thiểu số; người cam kết làm việc ở vùng sâu, vùng xa để bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch).

Cũng theo báo cáo, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước đã đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 3.230.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Tính đến hết năm 2021, có trên 90% cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh và ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật.

Bình quân, hằng năm cả nước có gần 90% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật; trên 85% được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; gần 80% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng trong thực thi công vụ.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã, hằng năm có trên 72% người được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, đạo đức công vụ.

Đối với viên chức, hằng năm có khoảng 37% được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; gần 50% viên chức giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; hơn 70% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Anh Văn

Tin mới