Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hội Truyền thông số đề nghị YouTube, Facebook bảo vệ quyền lợi chủ kênh Việt Nam

(VTC News) -

Các vụ việc chủ kênh và doanh nghiệp Việt Nam thiệt hại trên các nền tảng mạng xã hội nổi tiếng gần đây buộc Hội Truyền thông số lên tiếng.

Một số vụ việc liên quan đến vi phạm bản quyền các kênh phân phối nội dung của doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng Youtube, Facebook từ các doanh nghiệp nước ngoài cho thấy quyền lợi của doanh nghiệp Việt đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này là do có sự thờ ơ, xem nhẹ của các nền tảng phân phối nội dung nổi tiếng thế giới.

Gần đây nhất là vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa Sconnect và Entertaiment One (gọi tắt là EO) liên quan đến 2 bộ phim hoạt hình nổi tiếng Wolfoo và Chú heo Peppa.

Ngày 14/9/2022, Sconnect – đơn vị sở hữu bản quyền Wolfoo gửi đơn tới Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đề nghị hỗ trợ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đơn vị này đang bị doanh nghiệp nước ngoài xâm hại nghiêm trọng. Ngày 11/10/2022, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) Nguyễn Minh Hồng ký văn bản trả lời đơn kiến nghị của Sconnect.

Văn phòng sản xuất nội dung của Sconnect. (Ảnh minh hoạ)

Trong văn bản số 79/HTTS-DCC ngày 11/10/2022, trả lời đơn thư của Sconnect, VDCA nhận định rằng: “Đây là vụ việc dân sự, do đó khuyến nghị Sconnect thực hiện khởi kiện ra TAND TP Hà Nội để giải quyết tranh chấp song song với hoạt động tranh tụng theo đơn kiện của EO tại Toà án Vương Quốc Anh”.

VDCA cũng cho biết: “Trong thời gian các bên thực hiện các thủ tục pháp lý tại Anh và Việt Nam, VDCA có văn bản đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian như YouTube, Facebook và các nền tảng tương tự khác, xem xét đầy đủ hồ sơ kỹ lưỡng, khách quan; xem xét căn cứ vào quyết định trước đó của Tòa án TP Moskva (Liên bang Nga), không để gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chờ phán quyết của Tòa án được các bên khởi kiện, khi đơn kiện chưa được Tòa án tại Anh và Tòa án Việt Nam thụ lý”.

“VDCA đề nghị YouTube xem xét giữ nguyên hiện trạng khi chưa xảy ra tranh chấp, không chấp nhận cho Entertaiment One đánh bản quyền các nội dung Wolfoo của Sconnect, cũng như khôi phục toàn bộ các nội dung Wolfoo xóa trước đây và khôi phục quyền đăng tải các nội dung mới Wolfoo của Sconnect lên các kênh”, công văn của Chủ tịch Hội Truyền thông số nhấn mạnh.

Thời gian gần đây, truyền thông liên tục phản ánh về vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình: Wolfoo (do doanh nghiệp Việt Nam là Sconnect sở hữu) và Peppa Pig (do doanh nghiệp Anh là EO sở hữu), đây là hai bộ phim hoạt hình nổi tiếng đang phát hành trên nền tảng YouTube.

Từ đầu năm 2022 đến nay, do tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, Sconnect và EO, liên tục kiện tụng nhau ra tòa án tại Nga, Anh và Việt Nam… Mặc dù chưa có bất kỳ Toà án nào phán quyết kết luận Sconnect vi phạm bản quyền của EO nhưng nền tảng YouTube gỡ hơn 1.000 video và hạn chế quyền kinh doanh của Wolfoo.

Ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO của Sconnect cho biết, do YouTube thiên vị cho doanh nghiệp Anh dẫn đến Sconnect nhận phần thua thiệt, khi đối thủ EO lợi dụng kẽ hở của chính sách của nền tảng xuyên biên giới để cạnh tranh không lành mạnh trong vụ tranh chấp bản quyền giữa “sói Wolfoo” và “lợn Peppa”.

Wolfoo là bộ nhân vật hoạt hình do Sconnect xây dựng và phát hành trên YouTube từ tháng 6/2018, hiện các kênh nội dung về nhân vật này có 2.700 tập, thu hút 50 triệu người theo dõi, dịch ra 17 thứ tiếng phát hành toàn cầu, đạt 3 tỷ view mỗi tháng. Wolfoo cũng đạt 3 nút kim cương và hàng chục nút vàng, nút bạc của YouTube. Sản phẩm nổi tiếng thế giới “make in Vietnam” đang phải chịu thiệt hại trong vụ kiện tranh chấp bản quyền với bộ nhân vật hoạt hình Pepa Pig của EO.

“Mặc dù bộ nhân vật Wolfoo thực hiện đăng ký đầy đủ chứng nhận bản quyền hình ảnh, nhân vật, kịch bản tại Việt Nam, Mỹ, Nga và nhiều quốc gia khác, nhưng khi EO đánh bản quyền vẫn được YouTube chấp nhận gây thiệt hại rất lớn cho Wolfoo về doanh thu lên tới hơn 1 triệu USD, cũng như ảnh hưởng về uy tín thương hiệu”, đại diện Sconnect cho biết.

Do không chịu nổi sự chèn ép của EO, giữa tháng 8/2022, Sconnect làm đơn kêu cứu tới 4 Bộ trưởng: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ. Trước đó, vào cuối tháng 3/2022, Sconnect nộp đơn lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam để khiếu nại về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO (vi phạm khoản 3, và khoản 4 Điều 45 Luật Cạnh tranh). 

Song cho đến nay, doanh nghiệp chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan này.

Hoài Thương

Tin mới