Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa cấp cứu cho 4 bệnh nhi bị ngộ độc do ăn thịt cóc.
Gia đình cho biết, do bắt chước theo video trên mạng, 4 trẻ, tầm từ 5-7 tuổi tự bắt cóc về nướng ăn. Sau ăn 1 giờ, trẻ nôn nhiều.
ThS. BS Đỗ Thị Thu Giang - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong 4 bệnh nhi nhập viện, 2 bé ăn phần thịt đùi cóc không có biểu hiện ngộ độc lâm sàng nên được theo dõi.
Một bệnh nhi ăn đầu cóc thì nôn nhiều ra dịch màu nâu đen, tim mạch ổn định nên có chỉ định truyền dịch và bơm rửa dạ dày.
Bệnh nhi nặng nhất là B.V.H. (5 tuổi), trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Bé nhập viện sau tình trạng buồn nôn, nôn nhiều, lơ mơ, nhịp tim chậm 60 lần/phút, phổi thông khí kém.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, nơi cứu chữa bệnh nhi bị ngộ độc cóc.
Ngay khi H. nhập viện, các bác sĩ nhanh chóng lấy máu xét nghiệm, điện giải đồ, điện tim…Tuy nhiên, do nhịp tim chậm nên bệnh nhi tiếp tục được chỉ định hút dịch dạ dày một chiều, không bơm rửa, tránh trường hợp ngừng tim, truyền dịch, dùng thuốc nâng nhịp tim…
Tiên lượng đây là ca rất nặng nên các bác sĩ cho bệnh nhi chuyển tuyến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị, theo dõi.
BS Giang khuyến cáo, thịt cóc chứa hàm lượng đạm cao và không có độc tố. Tuy nhiên, nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố, trong đó có độc nguy hiểm gây chết người là tetrodotoxin. Chất này có trong da, gan, trứng, mủ, mắt.
Ngoài ra, hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin – một chất cực độc, dễ gây chết người (kể cả khi nấu ở nhiệt độ cao, độc tố này cũng không phân hủy, khi ăn phải gây ngộ độc nặng nề).
"Ngộ độc độc tố từ cóc tùy từng mức độ có thể thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức các chi, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, co giật, ngừng thở ngừng tim nếu không được cấp cứu.
Khi gặp người bị ngộ độc cóc, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra", BS Giang nói.