Liên quan đến kiến nghị của 325 học sinh, phụ huynh về việc cấp bằng THCS, THPT, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông luật cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Học viện Múa trong sự việc này.
Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2018.
Đại diện Học viện Múa thừa nhận sai sót xảy ra do "lỗi kỹ thuật".
Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc thêm văn hóa cho học sinh của mình, chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước. Ở vụ việc này, trường cần phân chia làm hai thời kỳ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người học đó, là thời kỳ trước năm 2019 và sau năm 2019.
Nếu như trước năm 2019 trường vẫn thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật giáo dục thì trường có quyền đề nghị công nhận tốt nghiệp cho các em.
“Từ năm 2019, trường không thực hiện theo các quy định của pháp luật dẫn đến hậu quả các em học ở đây không được cấp bằng thì trách nhiệm thuộc về nhà trường. Trong trường hợp này học sinh hay phụ huynh có quyền yêu cầu trường bồi thường toàn bộ các tổn thất do không tuân theo các quy định pháp luật”, luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, ồn ào tại Học viện Múa gần đây là bài học dành cho các trường nghề và cơ quan quản lý.
Với Học viện Múa, đơn vị này không thể phủ nhận trách nhiệm đến từ sự tắc trách của mình. Điều này xuất phát từ việc những người đứng đầu nhà trường không tìm hiểu quy định về pháp luật dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng với người học.
Ông Vinh cho rằng, bản chất của vụ việc này đến từ sự thiếu minh bạch trong đề án tuyển sinh. Nhà trường đã mập mờ không thông báo rõ ràng đến phụ huynh, thí sinh về hệ trung cấp không bao gồm cấp bằng THCS. Còn phụ huynh, vì không tìm hiểu kỹ và thấy nhà trường vẫn dạy văn hóa vào buổi chiều (sáng học chuyên môn) nên lầm tưởng.
Học viện Múa có trách nhiệm phải bồi thường cho phụ huynh, học sinh.
Tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng am hiểu các kiến thức về pháp luật, về giáo dục nên sau ngần ấy năm học, nhà trường mới thông báo rằng việc đào tạo văn hóa trong Học viện Múa là “rất đặc thù” và thường “ít ai vào đây để học văn hóa” quả thật gây sốc cho nhiều người.
“Nhà trường rất rõ ràng việc trường không phải cơ sở được quyền cấp bằng THCS và THPT nhưng vẫn đào tạo văn hóa mà không liên kết với bất cứ đơn vị nào khác, không đăng ký với phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (nơi trường đặt trụ sở đào tạo) thì việc đào tạo này ai quản lý, ai giám sát?”, ông Vinh đặt câu hỏi.
Viêc hơn 300 học sinh trường Múa trắng tay sau hơn 6 năm ra trường gây xôn xao thời gian gần đây dù vụ việc này diễn ra khá lâu. Ông Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam thừa nhận do “lỗi kỹ thuật” nên học viên đã “quên” không đăng ký đầu vào với Bộ GD&ĐT hệ trung cấp mà chỉ đăng ký đầu vào hệ cao đẳng.
Vì thế khi hết giai đoạn 1, học viên phải thi tốt nghiệp trung cấp để chuyển lên cao đẳng nhưng lại không có bằng trung cấp vì không đăng ký. Cho nên Bộ GD&ĐT đã không cấp phôi bằng trung cấp cho nhà trường. Về thắc mắc vì sao đào tạo văn hoá nhưng không cấp bằng, ông Hải thừa nhận thiếu sót khi chưa cam kết và giải thích rõ cho phụ huynh lúc gửi con vào trường học về việc trường không có thẩm quyền cấp bằng THCS, THPT.