Với Sha Jie, 10 tuổi tới từ Thượng Hải (Trung Quốc), buổi học online trong thời kỳ dịch bệnh sẽ bắt đầu bằng hoạt động chào cờ trực tuyến. Sha đứng trước màn hình TV, làm động tác chào cờ. Tiếp đó là bài tập thể dục buổi sáng trước khi chính thức bắt đầu vào buổi học.
Giáo viên sẽ dành hầu hết thời gian trong buổi học để dạy và hướng dẫn Sha và bạn bè em làm bài tập.
Sha nói em khá cô đơn khi phải học tập từ xa thay vì đến trường. Em không có bạn bè để trò chuyện và đôi lúc chán ngán với việc phải ngồi học online hết ngày này qua ngày khác. Trong khi đó, mẹ Sha lo lắng con trai mình tăng cân vì ít di chuyển do chỉ ngồi học ở nhà.
Yin Shirui, một học sinh cấp 3 ở Cám Châu, Giang Tây cũng tỏ ra chán ngán với việc học trực tuyến.
Sha Jie theo dõi bài giảng của giáo viên trên TV. (Ảnh: Getty Images)
"Em không thích học trực tuyến chút nào. Hầu hết thời gian trong ngày, em ở nhà một mình từ sáng đến tận chiều, trong khi bố mẹ đều đi làm. Em chẳng quan tâm đến những gì được dạy khi học trực tuyến vì các giáo viên hầu như không để ý mấy đến việc truyền tải kiến thức cho từng cá nhân", Yin nói.
Luo Xiaofei, một cư dân ở thị trấn Hạ Châu, tỉnh Quảng Tây cho biết cậu con trai đang học lớp 12 của ông thú nhận rằng "chẳng có chữ nào vào đầu" khi em học ở nhà. Kết quả học tập của con trai Luo cũng sụt giảm so với thời gian trước.
Ở Ấn Độ, nhiều giáo viên thừa nhận việc giảng dạy từ xa làm giảm chất lượng buổi học.
"Ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp bằng mắt vốn là những tín hiệu quan trọng đối với giáo viên nhưng khó có thể cảm nhận được điều đó trong lớp học trực tuyến. Có bao nhiêu học sinh chú ý trong lớp học. Có bao nhiêu em hiểu được bài? Tốc độ giảng dạy của tôi có ổn không? Ngay cả với việc học tại trường đó cũng là một vấn đề. Nó càng khó giải quyết khi học trực tuyến", một giáo viên Ấn Độ cho hay.
Phụ huynh của một học sinh lớp 3 của Ấn Độ cho rằng hình thức học trực tuyến không phù hợp với độ tuổi của lũ trẻ.
"Chúng rất khó tập trung và dễ bị sao nhãng sau một thời gian", cô nói.
"Cháu ghét học trực tuyến lắm", đứa trẻ nói thêm.
Một vấn đề đau đầu với nền giáo dục Ấn Độ trong thời kỳ đại dịch là còn khá nhiều học sinh không thể tham gia các lớp học từ xa do điều kiện kinh tế gia đình.
Nguồn điện, kết nối Internet thường xuyên bị gián đoạn cũng khiến các buổi học trở nên phập phù.
Nhiều học sinh Ấn Độ gặp khó vì vấn đề đường truyền mạng. (Ảnh: iStock)
"Rất khó để học sinh nghèo có thể tham gia lớp học trực tuyến. Chưa kể vấn đề kết nối mạng của giáo viên và học sinh", một giáo viên tới từ thị trấn Chamba, bang Himachal Pradesh cho hay.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều giáo viên Ấn Độ chia sẻ các bài giảng của họ qua WhatsApp hoặc YouTube để học sinh có thể xem bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, hình thức này đôi khi dẫn tới tình trạng học sinh không hiểu bài và học vẹt. Đây là mặt tiêu cực tương tự với các buổi học được ghi hình sẵn phát sóng trên các kênh truyền hình của Ấn Độ để phục vụ cho đông đảo các học sinh không thể tham gia học trực tuyến.
Tại bang San Diego ở Mỹ, một thống kê cuối năm 2020 cho thấy tình trạng học sinh không lên lớp tăng tới 220%. Các học sinh lớp hai tụt hậu về môn đọc, khoảng cách thành tích giữa học sinh giỏi và học sinh kém ngày càng nới rộng.
Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực có thu nhập thấp, các gia đình không thể cung cấp máy tính cho con em mình và kết nối Internet bị hạn chế.
Ally Ozzy, một phụ huynh ở San Diego thậm chí còn đề xuất để học sinh ngừng học 1 năm chờ dịch bệnh qua đi.
"Thật đau lòng khi thấy lũ trẻ vật lộn với điều này. Tại sao chúng ta không thể ngừng giảng dạy một thời gian để giảm bớt căng thẳng cho phụ huynh, trẻ em và giáo viên", một phụ huynh khác chia sẻ cùng quan điểm.
Nhiều học khu ở Mỹ cấp cho học sinh Ipad để tham gia các lớp học trực tuyến. Nhưng điều này cũng phát sinh nhiều vấn đề.
Một giáo viên đang trong buổi dạy trực tuyến ở Mỹ. (Ảnh: FT)
Keyshawn Woodbury, phụ huynh của một sinh lớp 1 ở thành phố New York nói cô nhiều tuần không nhận được Ipad để con có thể học tập như bạn bè.
Titilayo Aluko, 18 tuổi tới từ trường trung học Landmark ở Manhattan thừa nhận em không thể theo kịp lớp học do hạn chế vì công nghệ.
Aluko được quận cấp cho máy tính xách tay nhưng căn hộ ở Bronx của em không lắp Wifi.
Với một số môn học liên quan tới tính toán, Aluko dùng di động nhưng nhiều thao tác bắt buộc phải sử dụng tới máy tính.
"Nhiều lúc em nghĩ khó mà vượt qua được. Em thực sự sợ hãi về tương lai", Aluko chia sẻ.
Trước đại dịch, hầu hết các trường trung học Mỹ đều cho điểm bằng chữ cái từ A đến F. Trong đại dịch, một số bắt đầu chuyển sang đánh giá học sinh đạt hoặc không đạt. Nhiều giáo viên nói họ không thể hoàn thành kế hoạch giảng dạy như kế hoạch.