Hàng loạt ĐH lớn ở TP.HCM như: Bách Khoa, Kinh tế - Luật, Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Quốc tế Hồng Bàng,… đồng loạt tăng học phí lên gấp đôi ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên nghèo.
Học bổng không là "phao cứu sinh"
Tại ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM), học phí hệ đại trà hiện khoảng 12 triệu/năm. Từ năm học 2021-2022, mức học phí ở đây lên 25 triệu/năm và đến năm học 2023-2024 là 30 triệu/năm.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, việc học phí tăng do từ năm 2021 Trường thực hiện tự chủ theo quyết định của ĐHQG TP.HCM, không còn được cấp ngân sách chi thường xuyên.
Theo ông Thắng, mức học phí mới sẽ tác động mạnh đến sinh viên khóa mới. Để hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Trường ĐH Bách Khoa đã chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ người học. Theo đó, dự kiến trong năm học 2021-2022, nguồn hỗ trợ tài chính và học bổng của nhà trường có thể lên đến 50 tỷ đồng/năm.
“Nhà trường đang tích cực làm việc với Ban Liên lạc cựu sinh viên Bách Khoa và các bên liên quan để xây dựng chương trình hỗ trợ tài chính cho người học với ngân sách dự kiến khoảng 15 tỷ đồng/năm. Nhà trường luôn đồng hành với người học để giảm thiểu tác động của chính sách học phí đối với người học”, ông Thắng nói.
ĐH Bách Khoa tăng học phí hệ đại trà gấp đôi từ năm học 2021-2022.
Theo Đỗ Tuấn Khoa (quê Tiền Giang), sinh viên Khoa Kỹ thuật địa chất dầu khí (ĐH Bách Khoa), tăng học phí sẽ gây ra khó khăn rất nhiều cho những sinh viên khóa mới có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù Trường có chính sách học bổng nhưng học bổng thì có hạn trong khi sinh viên thì đông mà hầu hết là từ tỉnh lẻ nên cũng khó cho trường.
“Việc tăng học phí sẽ gây nên nhiều khó khăn. Nhà trường có chương trình học bổng cho sinh viên, các bạn cố gắng lấy học bổng thì vẫn ổn nhưng đâu phải ai cũng học giỏi để đạt được học bổng. Suất học bổng cho sinh viên thì có hạn mà tụi em khó khăn thì nhiều. Em nghĩ trường có thể xây quỹ hỗ trợ sinh hoạt phí, cho vay vốn giúp những sinh viên ở quê lên Sài Gòn như em”, Tuấn Khoa nói.
Trong khi đó, Thu Tâm, sinh viên Khoa Kỹ thuật hóa học cho rằng: “Học phí cao thì quỹ hỗ trợ sinh viên cũng cao nên sinh viên cố gắng vượt qua bằng cách nộp đơn vào để có học bổng, cũng như những ưu đãi từ nhà trường. Tuy nhiên, tài chính nhà trường cũng đâu nhiều, sinh viên cũng phải tự cố gắng chứ học bổng không là phao cứu sinh cho tất cả được".
Khoa Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM).
Nếu không hỗ trợ “nghèo vẫn hoàn nghèo”
Ngoài ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) cũng dự kiến học phí năm 2021 là 20,5 triệu đồng, trong khi học phí hệ đại trà hiện tại ở mức khoảng 9,8 triệu/năm. ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng tăng học phí năm nay từ khoảng 28 triệu lên 32 triệu/năm…
Ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp (ĐHQG TP.HCM) cho biết, tăng học phí cũng giúp các trường có tài chính tốt. Khi đó, cơ sở vật chất, giảng viên,… được đầu tư tốt kéo theo chất lượng đào tạo tốt lên. Vì thế tự chủ đại học là bước cần thiết của giáo dục Việt Nam, nếu không chúng ta cứ thụt lùi mãi.
Tuy nhiên theo ông Nam, các trường ngoài chính sách học bổng, Nhà nước có quỹ cho sinh viên vay rồi thì cần sự đồng hành của doanh nghiệp trong đào tạo. Phải có đòn bẩy khác về mặt kinh tế để giúp cho sinh viên, chứ không thể nói tăng học phí rồi không biết sinh viên như thế nào, phải có giải pháp giúp cho sinh viên khó khăn.
“Vẫn còn những người họ rất nghèo khổ, nếu không học đại học sẽ mất cơ hội phát triển và phải làm những công việc như cũ và tiếp tục nghèo. Các trường cần kêu gọi nguồn lực từ doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường như đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học cho doanh nghiệp đó để giúp sinh viên có cơ hội được học”, ông Nam nói.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, ĐHQG Hà Nội cho rằng, tự chủ đại học phải đảm bảo cơ chế cho người nghèo, người khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội thụ hưởng nền giáo dục đại học bình đẳng, kể cả chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Bởi suy cho cùng, mục tiêu của giáo dục đại học là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Tự chủ đại học phải giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa cơ quan quản lý, nhà trường và người học. Ngoài ra, còn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Nếu đem lợi ích của 3 nhóm này đặt trong bối cảnh xã hội và thực tiễn không phù hợp thì quá trình triển khai tự chủ không khả thi và sẽ gặp nhiều vướng mắc.
"Do đó, bên cạnh chính sách học bổng cho sinh viên tài năng và có hoàn cảnh đặc biệt cộng với nguồn vốn từ các ngân hàng xã hội cho vay ưu đãi dành cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn là giải pháp khả thi và hữu hiệu hỗ trợ học phí cho sinh viên thì cần huy động các nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các địa phương để có thêm nguồn lực chung tay với nhà trường và sinh viên", ông Đức nói.