Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Học phí đại học tăng 'sốc': Trường muốn người học cùng chia sẻ

(VTC News) -

Năm học 2021-2022, nhiều trường ĐH lớn ở TP.HCM tăng mạnh học phí, khiến nhiều gia đình và sinh viên băn khoăn, lo lắng, trong khi trường muốn người học chia sẻ.

Khi thực hiện tự chủ đại học, các trường không còn được cấp ngân sách chi thường xuyên hoặc chỉ được cấp một phần nên phải tăng học phí. 

Mong người học cùng chia sẻ

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) cho biết, do tháng 7/2020, ĐH Bách khoa được phê duyệt Đề án tự chủ theo quyết định của ĐHQG TP.HCM, không được cấp ngân sách chi thường xuyên nữa nên Trường sẽ tăng học phí năm học 2021-2022.

Cụ thể, chương trình đại trà, học phí 25 triệu đồng/năm (sinh viên khóa cũ chỉ đóng khoảng 12 triệu đồng/năm). Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh thu học phí 66 triệu đồng/năm, tăng 10% so với mức hiện tại.

Theo lộ trình, học phí chương trình đại trà năm học 2022-2023 tăng lên 27,5 triệu đồng/năm, năm học 2023-2024 là 30 triệu đồng/năm. Mức thu này sẽ giữ ổn định cho hai năm tiếp theo.

Mức học phí từ năm 2021 của ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM). 

Theo ông Thắng, việc tăng học phí khiến nhiều người học lo lắng trước khi bước vào năm học mới, sinh viên áp lực... Nhưng nhìn rộng ra, với các trường tự chủ, tài chính là vấn đề không thể bỏ qua. Từng nhà trường có các giải pháp hợp lý để đảm bảo tài chính cần thiết.

Tại ĐH Bách Khoa, theo đề án kinh tế kỹ thuật, chi phí đào tạo cho một sinh viên đại trà là hơn 60 triệu đồng/năm. Do đó việc gia tăng chia sẻ từ người học là vấn đề quan trọng cho đảm bảo chất lượng đào tạo. 

“Khi tự chủ, ngân sách Nhà nước cho chi thường xuyên không còn nên cần sự chia sẻ của người học với nhà trường. Với mức học phí đề xuất, nhà trường mong muốn sinh viên cùng đóng góp với nhà trường để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, trường tiếp tục tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác từ vốn vay, từ các doanh nghiệp, từ cựu sinh viên để thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Dự kiến trong năm học 2021-2022, nguồn hỗ trợ tài chính và học bổng của nhà trường có thể lên đến 50 tỷ đồng/năm. Nhà trường luôn đồng hành với người học để giảm thiểu tác động của chính sách học phí đối với người học”, ông Thắng cho biết.

 ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) tăng gần gấp đôi học phí.

Thu nhập thấp thì sao giảng dạy tốt

Không chỉ ĐH Bách Khoa, năm học 2021-2022, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng áp dụng học phí cho sinh viên khóa mới ở mức 32 triệu đồng/năm đối với các ngành: Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt (các ngành còn lại phải đóng 28 triệu đồng/năm). Trong khi năm ngoái, mức học phí của trường đối với sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM chỉ 14,3 triệu đồng/năm, hộ khẩu tỉnh thành khác phải nộp 28,6 triệu đồng/năm.

Hay ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) dự kiến học phí năm 2021 là 20,5 triệu đồng, năm 2022 ở mức 22,6 triệu đồng, năm 2023 thu 24,8 triệu đồng, năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 tăng lên 30 triệu đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, trường dự kiến mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng 10-15%.

ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM). 

Nói về học phí tăng, ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, tự chủ thì học phí sẽ tăng lên. Trường sẽ đảm bảo vận hành tốt hơn khi không còn ngân sách Nhà nước hoặc chỉ có một phần.

Các đề án tự chủ đại học sẽ có quy định liên quan đến cơ sở vật chất, trình độ giảng viên. Khi học phí tăng, ngân sách nhà trường tăng lên thì có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn. Hệ thống quản trị, vấn đề liên quan đến giáo trình... được đầu tư thì điều kiện dạy và học hiệu quả hơn. Đây là một giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. 

Cũng theo ông Nam, tăng học phí dù 1 đồng thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, nhưng mức học phí của các trường tự chủ hiện nay từ 20-25 triệu/năm là không cao. Bởi vì lâu nay học phí thấp, bây giờ tăng lên nên nhiều người thấy cao.

“Các trường tự chủ ví dụ như Bách Khoa, Kinh tế - Luật học phí mức 20-25 triệu/năm là bình thường. So với các trường hiện nay thì hoàn toàn không cao, đó là mức rất ổn. Như UEF cũng hơn 60 triệu/năm hay HUTECH, ĐH Tôn Đức Thắng cũng khoảng 40 triệu/năm rồi”, ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng cần có cái nhìn toàn diện về hai phía nhà trường và người học. Xã hội phải chia sẻ với sự học, vì hiện nay mức thu nhập của giảng viên trường công mà không có tự chủ rất thấp, thầy cô phải chịu đựng, hy sinh nhiều. Thầy cô thu nhập thấp quá thì họ sẽ phải làm việc khác kiếm thêm thu nhập, khi đó công việc giảng dạy cũng trở nên xao nhãng hoặc đôi khi không toàn tâm được.

“Giảng viên phải được hưởng quyền lợi xứng đáng. Có một số trường công, các thầy cô lương khởi điểm có 5 triệu, mức lương này quá thấp, lỗi thời, điều đó gây khó cho các thầy cô lắm. Tôi thấy đồng nhiệp của tôi phải kinh doanh online, họ phải tìm các công việc khác kiếm tiền. Tăng học phí cũng là một cách hỗ trợ thu nhập cho giảng viên, giúp họ toàn tâm toàn ý cho giảng dạy, khi ấy tất nhiên chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn. Trường công dựa vào ngân sách Nhà nước, mà ngân sách hạn hẹp, khó khăn hoài thì không thể giảng dạy tốt, học tốt.

Trong môi trường giáo dục hiện đại, các giáo sư đại học phải có điều kiện tốt nhất để nghiên cứu, sáng tạo, tập trung cho công việc chính thức chứ còn vừa dạy vừa phải lo làm thêm ngoài để tăng thu nhập thì quá uổng cho họ", ông Nam cho biết.

MAI THÚY

Tin mới