Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hoang tàn những di tích Chăm Pa hiếm hoi còn sót lại trên đất cố đô Huế

(VTC News) -

Các di tích Chăm Pa trên đất Huế không còn nhiều, hiện chỉ còn tháp Chăm Phú Diên, tháp đôi Liễu Cốc và Thành Lồi nhưng 2 trong số đó xuống cấp nghiêm trọng.

Video: Cảnh hoang tàn trong 2 di tích Chăm Pa hiếm hoi còn tồn tại ở cố đô Huế

Thành Lồi được xây dựng từ kế kỷ thứ VII toạ lạc trên đồi Long Thọ hiện thuộc địa phận 3 phường Thuỷ Biều, Phường Đúc và Thuỷ Xuân (TP Huế). Di tích này được công nhận là di tích Quốc gia tháng 12/2014. Thành hình vuông, chu vi dài 2 km với cấu trúc khép kín 4 mặt do người Chăm Pa xây dựng kiên cố với mục đích tạo nên một công trình phòng thủ vững chắc.

Khảo cứu của các nhà khoa học từ những năm 1989 thì Thành Lồi gồm 3 tầng: Tầng thứ nhất từ bề mặt của thành xuống 1,8-2 m bằng đất nện chặt. Tầng thứ 2 dày 0,5-1 m được đắp bằng gạch, đá cuội xen lẫn và tầng thứ 3 cách bề mặt 2,5-3 m dày 1,8-2 m được đắp bằng đất nền chặt. Nguyên vật liệu xây đắp Thành Lồi chủ yếu bằng đất đồi, gạch và đá cuội. Kỹ thuật xây gạch theo kiểu "mài chập liên kết thành khối vững chắc, không có mạch vữa như kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc Chăm Pa.

Tuy nhiên, ghi nhận của PV VTC News, trải qua hàng nghìn năm lịch sử với biết bao biến động, hiện Thành Lồi chỉ còn lại những dấu tích được che phủ bởi những dây leo chằng chịt. Nếu không có những chỉ dẫn thì ít ai nghĩ rằng đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Hiện khu vực Thành Lồi được khoanh vùng bảo vệ và quy hoạch thành một vùng khảo cổ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, giờ đây chỉ có thể cố gắng gìn giữ những phần còn lại của Thành Lồi để thế hệ sau nhận biết được sự hiện diện của nền văn hóa Chăm Pa trên đất Huế.

Một di tích Chăm Pa hiếm hoi khác còn tồn tại trên đất Huế và được công nhận là di tích Quốc gia từ năm 1997 là tháp đôi Liễu Cốc (thôn Liễu Cốc Thượng, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Di tích tháp đôi Liễu Cốc hiện tồn tại dưới dạng không nguyên vẹn với một tháp cao và một tháp thấp. Hai tháp nằm trên một gò đất chung quanh cây cao bóng cả che khuất, ở mặt phía Bắc, có một hồ nước dài rộng, xưa kia chảy thông ra sông Bồ.

Trong đó, tháp cao có phần chân móng vùi lấp dưới lòng đất, gạch và hiện nay chưa xác định nền móng ban đầu của tháp.Chiều cao xác định được từ diềm tháp đến vị trí bắt đầu của chân tháp khoảng 4m.

Tháp thấp thì kỹ thuật, chất liệu, vật liệu xây dựng tương tự như tháp cao và được các nhà nghiên cứu đánh giá là có cùng niên đại. Hiện lòng tháp còn lại khoảng 7,5 mét vuông.

Theo tài liệu sử sách năm 1926, Tháp đôi Liễu Cốc được Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu đánh giá là một trong số các di tích được xếp hạng trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương lúc bấy giờ. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định kết quả khảo cổ học tháp đôi Liễu Cốc có ý nghĩa đặt nền móng cho khảo cổ học hàng loạt di tích đền tháp và di chỉ cư trú của người Chăm giai đoạn sớm trên đất Thừa Thiên - Huế.

Tiếc là trải qua thời gian hàng nghìn năm và một số giai đoạn bị lãng quên khiến tháp đôi Liễu Cốc hiện nay chỉ còn là phế tích bị phủ kín bởi cây cỏ dại, dây leo. 

Di tích Chăm Pa cuối cùng còn sót lại trên đất Huế và cũng là di tích còn nguyên vẹn nhất chính là tháp Chăm Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tháp được các nhà khảo cổ học phát hiện bị chôn vùi dưới vùng cát ven biển Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào năm 2001. Tên gọi Tháp Phú Diên được đặt tên theo địa phương nơi phát hiện ra công trình văn hóa đặc sắc này. 

Bên cạnh di tích Thành Lồi và tháp đôi Liễu Cốc thì tháp Phú Diên được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc gạch Chăm Pa sớm nhất còn lại ở khu vực miền Trung, khoảng thế kỷ 8. Đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm… trong lòng Tháp Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm xưa nay.

Tháp Chăm Phú Diên cũng được Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới với tiêu chí "Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.

HOÀI CỔ

Tin mới