Ngày 9/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về phiên điều trần của Bộ Thương mại Mỹ nhằm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương Mại Mỹ tổ chức phiên điều trần ngày 8/5 vừa qua và đây là bước quan trọng xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam".
Cũng theo bà Phạm Thu Hằng, tại phiên điều trần phía Việt Nam đã nêu rõ lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí về quy chế kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Hiện tại, đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như là Anh, Canada, Australia, Nhật Bản… Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.
Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ. Qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Trước đó, ngày 8/5, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần trực tuyến và nghe ý kiến về việc công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam hay không.
Phát biểu tại phiên điều trần, ông Ted Osius - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN nhấn mạnh, Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường, đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận quy chế chính thức.
Cũng theo Reuters, quá trình xem xét công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ diễn ra từ nay đến cuối tháng 7. Khi chưa được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường, hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ dễ bị áp mức thuế chống bán phá giá cao hơn.
Bộ Thương mại Mỹ có một bộ tiêu chí riêng để đánh giá các quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không.
Các tiêu chí bao gồm: Khả năng chuyển đổi tiền tệ; mức lương theo kết quả đàm phán giữa người lao động và chủ lao động; cho phép liên doanh hoặc hình thức đầu tư nước ngoài khác.
Những tiêu chí khác gồm: Chính phủ có sở hữu hay kiểm soát các phương tiện sản xuất hay không; Chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, giá và quyết định sản lượng hay không.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng cân nhắc một số yếu tố khác. Chính quyền Mỹ thường dùng giá của nước thứ ba để tham khảo nhằm xác định giá bán công bằng.