Câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh và số tiền 14 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung làm nóng nhiều mặt báo và các trang mạng xã hội suốt mấy ngày nay. Nóng là đúng! Bởi so với mặt bằng chung xã hội, so với các khoản kêu gọi quỹ hỗ trợ thiện nguyện, 14 tỷ đồng là số tiền rất lớn!
Chúng ta nhìn thấy trong đó là rất nhiều tấm lòng trân quý hướng tới khúc ruột" miền Trung. Chúng ta cũng mường tượng trong đó là những nỗi vất vả của bà con vùng lũ (sẽ) được xoa dịu phần nào...
Và chúng ta ngỡ ngàng: Sáu tháng qua đi, khi những nỗi đau mất mát của người dân vùng lũ đã nguôi ngoai dần, thì số tiền 14 tỉ đồng vẫn... nằm đấy! Vậy là tên tuổi Hoài Linh "nổi" lên theo cách không mong muốn nhất.
Sau 6 tháng kêu gọi quyên góp, Hoài Linh lên tiếng xin lỗi vì... tiền ủng hộ vẫn nằm một chỗ!
Tôi thấy một vài ý kiến cố bảo vệ, bênh vực cho anh ta, nói rằng Hoài Linh không tham đâu, tài sản của anh ta không thiếu để phải tơ hào tiền từ thiện. Đó thực sự là một cách bênh vực hài hước.
Dư luận phẫn nộ với Hoài Linh không phải vì nghĩ rằng anh "giữ riêng" số tiền đó! Chính bản thân anh ta công bố số tiền đó ra cơ mà. Vấn đề nằm ở cách cư xử, là câu chuyện "của cho không bằng cách cho".
Tiền được xin cho mục đích từ thiện rất cụ thể. Nhưng xin xong, mục đích đó lại mãi không được thực hiện. Vậy, người quyên góp có thấy lòng tốt của mình bị đặt sai chỗ? Người dự kiến được nhận hỗ trợ (đồng bào vùng lũ) có thấy gợn lòng khi hoàn cảnh của họ bị mang ra làm lý do quyên góp, nhưng 6 tháng rồi, khi những dấu vết của thiên tai dần bị xóa nhòa, họ vẫn chỉ thấy... lời hứa của Hoài Linh?
Vậy mới nói, không có bất kỳ lý do gì phù hợp để giải thích cho sự chậm trễ lạ kỳ của Hoài Linh. Khi kêu gọi quyên góp thì liên tục đăng bài trên fanpage, sau khi "chốt sổ" lại không có thông tin nào về kế hoạch hành động cụ thể.
Có chăng, chỉ giải thích được rằng, có lẽ do anh thiếu đi cái tâm, cái tầm mà thôi!
Tổ chức hoạt động từ thiện cần cái tâm và tầm!
Sự việc gây ồn ào của Hoài Linh cũng nhắc nhở tất cả chúng ta rằng, nếu muốn đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện thì nơi kêu gọi phải ý thức ngay từ đầu rằng, họ cần đầu tư cả thời gian, công sức và trí tuệ. Không phải tự nhiên, trên thế giới, người sáng lập các quỹ từ thiện lớn, uy tín đều là những bộ óc đỉnh cao về quản trị: Tỷ phú Bill Gates và vợ cũ, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg...
Còn nếu làm từ thiện kiểu phong trào, hô hào xong thì thực hiện tùy hứng, thực sự nên xem lại. Hoạt động thiện nguyện không chỉ đơn giản là "cho đi" mà người đứng ra tổ chức cũng được "nhận lại": Uy tín, danh tiếng cho cá nhân hoặc tổ chức của họ, hoặc đơn giản là sự thỏa lòng vì đã làm được điều có ích.
Sau tất cả, chúng ta thấy Hoài Linh đã lên tiếng. Anh xin lỗi người ủng hộ, xin lỗi người dân miền Trung. Nhưng lời xin lỗi muộn màng - như cái cách trao đi số tiền 14 tỷ đồng đầy muộn màng ấy - chẳng giải quyết được gì nhiều lúc này.
Điều tôi mong muốn, xã hội mong muốn, chắc chắn là một cái tâm được đặt ngay ngắn của người làm thiện nguyện, cùng với đó là tầm tri thức, khả năng quản trị để có kế hoạch thực thi hiệu quả, minh bạch.
Còn một khi để cho thời gian xóa mờ đi dấu vết của các trận bão lũ rồi mới nói tới chuyện thiện nguyện thì quá dở! Làm từ thiện, chẳng ai muốn phải nghe nhắc nhở "Của cho không bằng cách cho", bởi nó vốn dĩ đã là điều đương nhiên.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.