Chương trình tập huấn nâng cao nhận thức về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực mạng vừa diễn ra thu hút gần 30 người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội tham dự.
Xuất hiện tại buổi chia sẻ, Hoa hậu Thùy Tiên thừa nhận từng là nạn nhân của bạo lực không gian mạng. Chính vì vậy, cô hiểu những lời nói dù không cố ý nhưng vẫn gây ra những hậu quả nặng nề và đôi khi trở thành những vết thương sâu sắc với người tiếp nhận.
"Hiện nay có rất nhiều người có tầm ảnh hưởng là phụ nữ đang phải đối mặt với thực trạng trên. Tôi nghĩ rằng mỗi người sinh ra vốn đã khác nhau ở mọi mặt, xin đừng dùng thước đo vô căn cứ mà làm tổn thương nhau", nàng hậu chia sẻ.
Ca sỹ Orange tâm sự mạng xã hội có thể là ảo, nhưng sức nặng của ngôn từ là thật, những tổn thương đến người nhận là thật. "Một lời, hai lời có thể chỉ là những mũi kim, nhưng một tập hợp của rất nhiều những mũi kim sẽ trở thành một con dao sắc nhọn đủ giết chết một con người. Chúng ta dễ biến sự bức xúc của bản thân với những vấn đề, những cá nhân thành lời lẽ khắc nghiệt, bởi vì ta nghĩ rằng điều đó là vô hại. Nhưng ngẫm lại, ta liệu có biết được giới hạn chịu đựng tổn thương của họ, mà trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em, là bao nhiêu, và đến khi nào thì họ gãy vụn?", cô chia sẻ.
Với Hoa hậu Đoàn Thiên Ân, cô cũng kêu gọi mọi người nên lên tiếng và hành động để chấm dứt vấn nạn này.
Thuỳ Tiên và Thiên Ân chia sẻ về bạo lực ngôn từ.
Theo The Economist Intelligence Unit, các hình thức phổ biến nhất của bạo lực mạng là: phỉ báng và lan truyền thông tin sai lệch (67%), quấy rối trên mạng (66%) và phát ngôn thù ghét (65%). Tỷ lệ phổ biến của bạo lực trực tuyến đối với phụ nữ và trẻ em gái dao động từ 16% đến 58%. Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên mạng hoặc thông qua các phương tiện truyền thông có thể gây ra những hậu quả nặng nề về y tế, chính trị, xã hội và kinh tế.
Hiểu rõ sự nghiêm trọng của bạo lực mạng, chương trình năm nay tiếp tục lan tỏa thông điệp “Nói không với bạo lực”, hướng tới thay đổi hành vi cá nhân nhằm ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trên không gian trực tuyến.
Màu cam cũng được Liên Hợp Quốc lựa chọn là biểu tượng cho chiến dịch xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời màu cam thể hiện khát vọng về tương lai tươi sáng, bình đẳng, không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.