Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hỗ trợ hãng bay 'cho có', ACV bị phản ứng gay gắt

(VTC News) -

Doanh nghiệp hàng không và chuyên gia kinh tế cho rằng việc ACV giảm giá 7 loại dịch vụ chỉ là hình thức và đối phó, không có nhiều tác dụng với các hãng bay.

Thị trường hàng không đang lịm dần, hãng bay đang tím tái. Nhưng các giải pháp cấp cứu doanh nghiệp đang quá chậm và dường như thực hiện một cách đối phó.

“Hình thức và đối phó”

Ngày 20/3, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết sẽ giảm giá 7 loại dịch vụ gồm: dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất đều giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện: hãng dừng bay miễn 100%, hãng duy trì bay giảm 30%. Thời gian miễn, giảm giá các dịch vụ nói trên là 6 tháng kể từ 1/3.

Theo ACV, việc giảm giá nhằm “chia sẻ khó khăn cùng với các hãng hàng không”.

Việc ACV giảm giá 7 loại dịch vụ có hỗ trợ tích cực ngành hàng không?

Tuy nhiên, chia sẻ với VTC News, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ được lợi không đáng kể từ việc giảm giá 7 loại dịch vụ này. Cụ thể, phí dẫn tàu bay tuy giảm 50% nhưng các hãng sẽ tiết kiệm không đáng kể, do phí này thấp và hầu hết máy bay hiện nằm sân do các chuyến bay bị cắt, huỷ chuyến.

Trái lại, các dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất chiếm đáng kể trong chi phí của hãng lại chỉ được giảm 10%.

Trường hợp hãng hàng không dừng bay thì việc miễn 100% dịch vụ thuê văn phòng đại diện là đương nhiên, vì hoạt động của doanh nghiệp khi đó gần như “đóng băng”. Với hãng tiếp tục duy trì hoạt động vận chuyển, số chuyến cũng không nhiều do nhiều sân bay đóng cửa, khi đó nhu cầu mặt bằng cũng không lớn.

Trong khi các loại phí thấp được giảm thì những gánh nặng thật sự lại không được gỡ bỏ. Theo một chuyên gia trong ngành hàng không, dù đa số máy bay đang nằm “đắp chiếu” thì các hãng vẫn è cổ trả loạt khoản phí. Đáng kể nhất là phí sân đậu, khoảng 3 triệu đồng mỗi tàu bay/ngày. Cùng đó, phí sử dụng thiết bị đầu cuối (cute) cũng ngốn của mỗi hãng hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Những khoản phí tốn kém này, ACV không giảm hoặc không có đề xuất miễn giảm.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhìn nhận, động thái giảm giá 7 loại dịch vụ của ACV chỉ mang tính hình thức cho có: “ACV giảm giá dịch vụ kiểu hình thức và đối phó, thực chất không có nhiều tác dụng tích cực với các hãng hàng không”.

PGS.TS phân tích: “ACV thu nhiều loại phí dịch vụ, nhiều khoản trong đó rất cao thì không chịu giảm. Trong bối cảnh hãng hàng không đang tím tái, những phí nào thuộc thẩm quyền, ACV phải nhanh chóng giảm tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp”.

Theo ông Long, ACV thực chất không muốn giảm nguồn thu của mình mà chỉ nhằm đối phó với chỉ đạo của Chính phủ: “Tôi cho rằng ACV cần ngay lập tức giảm các loại phí dịch vụ đậu tàu bay, dịch vụ đầu cuối… đó mới là cái liên quan sát sườn đến hãng hàng không”.

Với các phí dịch vụ khác như điều hành bay, cất cánh… ông Long cho rằng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cần hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không bằng cách cho chậm thanh toán và giảm giá.

Giải cứu cần kịp thời và thực chất

Báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy từ cuối tháng 1/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Đến nay, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.

Theo ước tính, thiệt hại do việc cắt giảm đường bay khiến ngành hàng không Việt thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, con số này tăng mạnh so với những ước tính trước đó: khoảng 10.000 tỷ đồng hồi đầu tháng 2 và 25.000 tỷ đồng cuối tháng 2.

Hàng không trong nước điêu đứng vì Covid-19, đang chờ giải cứu gấp. (Ảnh minh họa)

Cục Hàng không Việt Nam đưa ra hai kịch bản, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4, tổng khách của thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15% so với năm 2019. Trường hợp xấu hơn, quý II mới kiểm soát được dịch bệnh, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6 % so với 2019. Với kịch bản nào, doanh nghiệp vận tải hàng không cũng đều thiệt hại ghê gớm.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng kịch bản xấu nhất xảy ra là dịch Covid-19 kéo dài, các hãng bay sẽ bị đẩy đến bờ vực phá sản nếu không được tiếp sức: “Thiệt hại là cực lớn. Doanh nghiệp sẽ không đủ sức chống chọi nếu không được hỗ trợ kịp thời”.

Video: Cận cảnh quy trình cách ly tập trung hành khách nhập cảnh vào Việt Nam

Tuy vậy, theo ông Long, đáng lo ngại nhất là hiện nay các giải pháp đưa ra đang quá chậm. “Từ đầu tháng 3, Thủ tướng đã có chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đây được coi là cứu thoát cho doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay. Nhưng nhiều Bộ phản ứng quá chậm. Bộ Giao thông Vận tải cũng mới có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Thủ tướng cho phép giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay với các chuyến nội địa…”, ông Long nói.

Không những thế, chuyên gia tài chính kinh tế này cho rằng các mức hỗ trợ mà Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chưa đánh giá hết thiệt hại mà các hãng đang gồng mình gánh chịu. “Bộ Giao thông vận tải là nơi nắm rất rõ thiệt hại ghê gớm của các hãng hàng không. Nhưng những giải pháp Bộ đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lại rón rén, cầm chừng, nhiều nội dung thiếu thực chất”, ông Long nhìn nhận.

Ngoài Bộ Giao thông Vận tải, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng Bộ Tài chính cần khẩn trương trình văn bản miễn giảm thuế, phí để cấp cứu kịp thời doanh nghiệp hàng không – vốn là nguồn thu ngân sách, là mũi nhọn, là bệ đỡ cho nền kinh tế.

“Bát nháo” giá dịch vụ

Bamboo Airways cho biết giá dịch vụ mặt đất cơ bản và dịch vụ phát sinh cho chuyến bay của hãng hiện phải chi trả cao hơn đáng kể so với các hãng hàng không khác…

Tối 22/3, Bamboo Airways có thông báo cho biết hãng đang thảo luận phương án điều chỉnh cùng ACV. Theo đó, hoạt động thanh toán chi phí dịch vụ giữa ACV và hãng thời gian qua phát sinh một số khúc mắc. Trong đó, đáng nói là chi phí một số hạng mục dịch vụ ACV cung cấp cho Bamboo Airways đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, cá biệt một số khoản cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi.

Ví dụ, chi phí sử dụng hạ tầng, trang thiết bị tại các cảng hàng không hầu hết đều đang chịu ở mức tối đa trong khung giá quy định của Bộ Giao thông vận tải, mặc dù điều kiện về chất lượng hạ tầng, trang thiết bị, năng lực của các cảng hàng không là khác nhau, giá dịch vụ mặt đất cơ bản và dịch vụ phát sinh cho chuyến bay Bamboo Airways hiện phải chi trả cao hơn đáng kể so với các hãng hàng không khác…

Hiện trạng này dẫn đến phát sinh nhiều đợt kiểm tra, rà soát từ cả hai phía trong thời gian vừa qua, kéo theo các cuộc thảo luận song phương kéo dài, dẫn đến tiến độ chi trả bị trì hoãn, trong khi chờ đợi sự thống nhất cuối cùng từ hai đơn vị.

Bên cạnh đó, biến cố dịch bệnh Covid-19 trong những tháng vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường hàng không, khiến hoạt động của nhiều hãng hàng không bị đình trệ, hàng loạt chuyến bay và đường bay phải dừng khai thác, doanh thu giảm sút đột ngột, trong đó có Bamboo Airways. Thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, Bamboo Airways đang tích cực điều chỉnh phương án kinh doanh để thích ứng với điều kiện mới, đồng thời đàm phán với ACV để tiến tới sự đồng thuận, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

“Bamboo Airways và các hãng hàng không cũng mong muốn nhận được trợ lực từ các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, bao gồm điều chỉnh giảm hoặc xóa bỏ thuế, phí đối với một số dịch vụ, hoạt động chuyên ngành hàng không, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách. Đặc biệt là sự thấu hiểu và đồng hành từ đối tác thông qua việc điều chỉnh giảm một số chi phí và thời hạn thanh toán một cách phù hợp với hoạt động của từng đơn vị trong giai đoạn khó khăn chung này”, thông cáo của Bamboo Airways viết.

Hòa Bình

Tin mới