Sau khi giải nghệ, HLV Han Young-kuk không trở về Hàn Quốc như nhiều đồng nghiệp ngoại mà ở lại Việt Nam sinh sống, làm việc từ 2004. Trong thời gian này, ông tái ngộ đồng môn ở lớp HLV Pro là ông Park Hang Seo, giờ là HLV trưởng tuyển Việt Nam.
Sau một thời gian ngắn đồng hành cùng HLV Park, ông Han rời tuyển Việt Nam. Hiện tại, ông Han đang làm trợ lý ở CLB nữ Hà Nội Watabe.
- Cơ duyên nào đưa ông đến với ban huấn luyện của HLV Park Hang Seo cuối năm 2017?
Tôi gặp HLV Park lần đầu vào năm 2011. Khi đó, chúng tôi đang cùng theo học một lớp huấn luyện. Ông ấy hỏi tôi đang làm việc ở đâu, tôi bảo mình dạy bóng đá cho trẻ em ở Việt Nam. Sau này sang đây làm việc, HLV Park đã gọi cho tôi và chúng tôi có cuộc tái ngộ ở Bình Dương. Ông ấy nói chuyện với trợ lý Lee Young-jin, người đại diện Lee Dong-jun trước khi đưa ra đề nghị dành cho tôi.
Trước đó, tôi chỉ biết ông Park từng nằm trong thành phần ban huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002. Sau đó, ông ấy cũng dẫn dắt một số đội bóng ở K1, K2 League. Tuy nhiên chúng tôi không có sự liên hệ. Một phần vì từ năm 2004, tôi đã sang Việt Nam sinh sống, làm việc.
- Thế rồi mối quan hệ công việc giữa hai người sớm khép lại. Vì sao lại như vậy?
Ban đầu, tôi nghĩ mình lên tuyển làm trợ lý cho HLV Park. Nhưng sau khi ra Hà Nội và làm việc với VFF, tôi mới biết mình chỉ được mời làm phiên dịch. Tôi chỉ học bằng HLV thôi chứ chuyên môn không phải là dịch thuật.
Đây là công việc rất khó khăn và nhiều áp lực. Tôi xác định đã làm thì phải dốc sức. Ông Park yêu cầu tôi phải chuyển ngữ sao cho thật gần gũi, dễ hiểu với cầu thủ Việt. Dù rất cố gắng, tôi cũng để xảy ra một số vấn đề và không thể ở lại. Công việc này áp lực quá, khiến tôi không thoải mái nên gặp vài sai sót.
- Nếu không ngại, ông có thể kể về những sự cố mình từng gặp phải?
Sự cố đầu tiên xuất hiện tại buổi họp báo sau trận U23 Việt Nam gặp U23 Uzbekistan (giải giao hữu M-150 Cup 2017 trên đất Thái - PV) vào tháng 12.
Một phóng viên Thái hỏi HLV trưởng bằng tiếng Anh rằng: "Ông nhận xét như thế nào về màn trình diễn của hai đội?". Khi chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Hàn, tôi lại nhầm lẫn nói thành "nhan sắc của ông hôm nay ra sao?".
Nghe câu hỏi, ông Park liền "đỏ mặt tía tai" bảo rằng "anh hỏi lại đi, không phải hỏi nhan sắc đâu". Sau khi được anh Tuấn nhắc lại nội dung, tôi mới biết mình nghe nhầm và báo lại cho HLV Park. Tôi rất mắc cỡ vì chuyện này.
Sự cố thứ hai liên quan tới phóng viên Việt Nam. Sau một trận đấu, có người hỏi thầy Park rằng "Số 9 (Văn Toàn) của U23 Việt Nam hôm nay thi đấu ra sao” nhưng tôi lại nghe nhầm thành số 19 (Quang Hải).
- Trong thời gian gắn bó ngắn ngủi, ông có ấn tượng gì với thầy Park?
Tôi nằm trong thành phần ban huấn luyện U23 Việt Nam chỉ hai tuần nên không đánh giá được nhiều. Nhưng theo tôi, HLV Park là người tâm lý. Ông ấy hiểu cầu thủ của mình nhưng đôi lúc rất nóng tính và phải cố gắng tự kiềm chế. Thật ra, đó cũng là một tính cách tích cực. Người Hàn phần lớn đều nóng tính. Nó cho thấy họ làm việc với quyết tâm, khát khao rất cao. Khi đã hiểu được điều này, cầu thủ sẽ đồng cảm với HLV trưởng và tin tưởng họ.
- Rời đội tuyển Việt Nam một cách chóng vánh, ông có buồn không?
Tôi không buồn đâu. Tôi còn mừng vì ông Park có được thành công cùng bóng đá Việt Nam là khác. Mà không chỉ riêng tôi đâu, tất cả người dân Hàn Quốc đều mong mỏi điều đó. Chúng tôi sẽ rất lo lắng nếu các đội tuyển do ông Park dẫn dắt thi đấu không tốt và phải đối diện hoài nghi từ người hâm mộ Việt Nam.
Không phù hợp với vị trí phiên dịch ở tuyển Việt Nam, thỉnh thoảng, ông Han vẫn được HLV Park mời đi các sự kiện. Ảnh: Quang Thịnh.
- Ông có thể nói về sự khác và giống nhau giữa bóng đá Việt Nam và Hàn Quốc?
Sự khác biệt nằm ở khía cạnh tài chính và đặc biệt là ý thức vận động viên.
Cầu thủ Hàn Quốc từ xưa tới nay luôn được biết tới với ý chí và tinh thần quyết tâm cao. Họ luôn ra sân với sự tập trung, khát vọng chiến thắng, không bao giờ bỏ cuộc. Cầu thủ Việt Nam thì tôi thấy có hai dạng. Một số người rất nỗ lực nhưng số khác thì thiếu sự cố gắng nghiêm túc.
Ví dụ hiệp hai có 45 phút, nhiều cầu thủ chỉ đá tốt được nửa đầu thôi. Còn 20 phút cuối thì tinh thần họ xuống thấp, có xu hướng bỏ cuộc khi thấy không thể lật ngược tình thế.
- Những điểm yếu này có được cải thiện theo thời gian không thưa ông?
Từ ngày HLV Park dẫn dắt các lứa đội tuyển Việt Nam, tinh thần và tư duy chơi bóng của cầu thủ đã được thay đổi. Trước đây, tôi theo dõi SEA Games và thấy cầu thủ thường không đuổi theo bóng khi bị vượt qua. Nhưng năm rồi thì ngược lại, họ luôn bám đuổi và gây áp lực cho đối thủ đến tận cùng. Trong bóng đá, điều này rất quan trọng.
- Theo ông, cầu thủ Việt Nam hiện có đủ khả năng chơi bóng ở Hàn Quốc?
Thời điểm này thì hơi khó. Tôi không nghĩ cầu thủ Việt Nam có thể theo nổi cường độ tập luyện, thi đấu của các CLB Hàn Quốc. Giải đấu này đòi hỏi cao về tốc độ và sức mạnh, K League 1 cũng đang có sự chênh lệch lớn với V.League. Ngoài ra nếu đến Hàn, cầu thủ Việt còn phải làm quen với thời tiết và văn hóa khác biệt.
- Xuân Trường, Công Phượng từng chơi bóng ở Hàn Quốc cho Incheon và Gangwon. Ông đánh giá thế nào về màn thể hiện của cả hai?
Xuân Trường có kỹ thuật nhưng yếu về sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Công Phượng thì không được dùng nhiều nên không thể đánh giá chính xác. Tôi tiếc cho Phượng và không hiểu tại sao vị HLV nước ngoài lại ít dùng cậu ấy.
Nói chung, cầu thủ Việt đến Hàn sẽ gặp nhiều khó khăn. Đá một trận không tốt sẽ bị hoài nghi và có thể không được sử dụng trận kế tiếp. Tuy nhiên, cầu thủ đá dở một trận không có nghĩa họ không đủ khả năng. Màn thể hiện của anh ta còn phụ thuộc vào các đồng đội. Nếu cả hệ thống trục trặc, anh ta không thể chơi tốt.
Xuân Trường và Công Phượng chưa thể thành công ở K League.
- Một số nhà cầm quân người Hàn từng thử thời vận ở Việt Nam nhưng không gặt hái nhiều thành công. Ông nói gì về chuyện này?
Đúng là có nhiều HLV Hàn Quốc tới Việt Nam làm việc nhưng không phải ai cũng tìm được thành công. Mỗi người có một câu chuyện, hoàn cảnh riêng. Như HLV Lee Heung-sil thất bại ở CLB Viettel vì áp lực thành tích và sự can thiệp từ ban lãnh đạo. Thắng thì không sao nhưng thua 1-2 trận là sức ép rất lớn.
Tôi cũng nghe kể rằng lãnh đạo đội này thường can thiệp vào việc sắp xếp đội hình ra sân. Mà như vậy thì làm sao HLV trưởng có thể làm tốt công việc chứ. HLV Chung Hae-seong thì thành công mùa đầu với CLB TP.HCM nhưng sang mùa thứ hai cũng có trục trặc.
- Sinh sống, làm việc ở Việt Nam trên dưới 15 năm, ông thấy bóng đá nơi đây đang phát triển thế nào?
Tôi ở đây cũng khá lâu rồi. Cứ mỗi năm, tôi lại thấy sự thay đổi của bóng đá Việt. Đào tạo trẻ ngày càng được VFF và các lãnh đạo địa phương quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta muốn làm bóng đá bài bản thì phải giải được bài toán kinh tế. Nhiều địa phương chưa tìm được câu trả lời cho vấn đề này.
Không có tiền thì khó đào tạo cầu thủ trẻ lắm. Đơn cử như ở miền Tây, các đội đều có tuyến U13 nhưng lại “trống” U15. Rồi đội U19 thi thoảng còn không đủ 18 người để đá giải. Ở khu vực này, tôi thấy nhiều em có năng khiếu nhưng không được huấn luyện đầy đủ. Điều này rất đáng tiếc.
- Vì sao ông không thử thời vận ở quê nhà Hàn Quốc?
Tôi quan tâm tới bóng đá và tìm hiểu về Việt Nam từ năm 1992. Sau khi sang đây làm việc, tôi đã quen với cuộc sống và không muốn về nữa. Trước đó, tôi cũng đã trải nghiệm bản thân ở Campuchia, Lào, Thái Lan nhưng Việt Nam vẫn là số một. Đến giờ dù đã có bằng Pro, tôi vẫn muốn làm việc ở đây mà thôi.
- Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!