U17 Học viện Nutifood vừa xuất sắc giành ngôi Á quân U17 VĐQG - Next Media 2020 trong lần đầu tiên tham dự giải đấu. Thêm một lần nữa, HLV Guillaume Graechen hay còn gọi là thầy Giôm chứng tỏ khả năng ở một giải đấu trẻ.
VTC News phỏng vấn chiến lược gia người Pháp sau hành trình đặc biệt tại giải U17 VĐQG.
Niềm vui của thầy Giôm khi cùng các học trò U17 Học viện Nutifood giành quyền vào chung kết.
- Thời điểm ông dẫn lứa Công Phượng đá V-League có rất nhiều kỳ vọng. Nhưng khi đó các cầu thủ còn rất trẻ và nó thực sự là giai đoạn khó khăn. Bầu Đức lúc đó có chia sẻ gì với ông?
Đúng là thời điểm đó các cầu thủ còn rất trẻ để chơi ở V-League. Họ mới 18, thậm chí 17. Họ đã phải đốt cháy một giai đoạn để lên đội 1.
Còn về sự chia sẻ của bầu Đức, giai đoạn đó, cá nhân tôi chưa nhận được sự chia sẻ nào.
- Vậy thời điểm đó, nếu để cho ông và các học trò có thêm 1 năm nữa làm việc cùng nhau cho cứng cáp rồi mới lên V-League có phải sẽ tốt hơn không?
Giom001.jpg
Lứa Công Phượng đã phải đốt cháy một giai đoạn để lên đội 1.
HLV Guillaume Graechen
Vấn đề khó khăn không phải tới từ lực lượng. Ở nước ngoài cũng có các em lên đội 1 từ 18, 19 tuổi là bình thường. Vấn đề nằm ở môi trường bóng đá của CLB.
Trong đó có cả các vấn đề liên quan đến những cầu thủ nước ngoài. Trong vòng 10 tháng, HAGL có tới 6 cầu thủ nước ngoài. Điểm yếu nằm ở phía trong nội bộ đội bóng.
- Ông từng dẫn dắt các đội tuyển trẻ Việt Nam, CLB HAGL ở V-League. Vậy tính chất và áp lực công việc khác nhau thế nào?
Tất nhiên tôi thích dẫn dắt đội tuyển trẻ Quốc gia. Tôi phải cảm ơn bầu Đức, Nutifood đã tài trợ cho U19 Việt Nam khi đó có những chuyến đi nước ngoài. Tôi được tự do lựa chọn những người làm việc tốt và xây dựng được các mối quan hệ bạn bè. Khi có các mối quan hệ tốt, làm việc sẽ dễ dàng hơn.
Thầy Giôm và HLV HLV Franck Durix cùng dẫn dắt U17 Học viện Nutifood.
- Tôi rất nhớ thời điểm đó ông có nói, ông chưa bao giờ thấy một đội trẻ ở Pháp hay châu Âu thi đấu trên một sân đấu có tới 40-50 nghìn khán giả.
Đúng thế, số lượng khán giả như vậy chỉ đến xem những đội lớn. Còn ở giải trẻ, họ không tới những sân bóng lớn như vậy. Điều ấy cũng chứng tỏ, Việt Nam rất thích bóng đá và đó là điều kỳ diệu.
- Sau những giải đấu đó, ông đã có thêm cơ hội trải nghiệp ở V-League, giải đấu cũng cho ông rất nhiều bài học. Nếu có cơ hội, ông có muốn trở lại với sân chơi V-League không?
Thời điểm này thì không. Có thể tôi sẽ trở lại V-League vào thời gian sau nhưng sẽ không dẫn dắt HAGL.
- Không dẫn dắt HAGL? Dường như ông đã có một kế hoạch khác?
Thực sự tôi chưa có kế hoạch nào cả. Tôi vẫn đang làm việc cho JMG và tôi mong muốn cuộc sống của tôi gắn bó với Việt Nam, tận hưởng cuộc sống tại Việt Nam sau đó sẽ tính tiếp.
Sau này, tôi sẽ là người quyết định đến CLB nào chứ không phải CLB nào quyết định cuộc sống của tôi.
- Điều ông cảm thấy tiếc nhất khi dẫn dắt các cầu thủ khóa I của Học viện HAGL JMG với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… là gì?
Không có sự nuối tiếc nào cả. Chỉ có niềm vui, niềm hạnh phúc. Bởi đó là những cầu thủ chất lượng, tiếp thu được triết lý, lối chơi tôi muốn truyền đạt tới. Đó thực sự là những ngày vui.
- Đó có phải là quãng thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp huấn luyện của ông đến lúc này?
Đó là lần đầu tiên tôi dẫn dắt một đội tuyển quốc gia. Và sau đó là khoảng thời gian 2 năm tuyệt vời cả về chuyên môn lẫn con người. Điều tôi luôn ưu tiên tối đa là lối chơi của đội. Tôi tin chắc thời điểm đó ở Việt Nam chưa có một đội bóng nào có lối chơi nhanh như vậy. Trước khi có những màn thể hiện đó, chúng tôi có quãng thời gian tập luyện cùng nhau 7 năm.
- Thời ông dẫn dắt lứa Công Phượng ở U19 Việt Nam, số lượng các lò đào tạo trẻ trong nước theo công nghệ nước ngoài chưa có nhiều. Nhưng hiện tại thì ngoài HAGL, còn có Nutifood, PVF, Học viện Juventus… Ông cảm thấy sự thay đổi trong hệ thống đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam thế nào?
Đó là sự thay đổi tích cực với rất nhiều trung tâm đào tạo và tuyển chọn được nhiều cầu thủ chất lượng. Và quan trọng hơn là cơ sở vật chất của các trung tâm ngày càng tốt hơn. Những tinh hoa sẽ kết tinh ở ĐTQG sau này.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi