Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hình thức hối lộ tinh vi mới ở Trung Quốc bị cơ quan giám sát 'dòm ngó'

(VTC News) -

Cơ quan giám sát chống tham nhũng Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào những quan chức nhận hối lộ dưới hình thức “cổ tức” từ các khoản đầu tư kinh doanh giả.

Theo SCMP, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) - cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu nước này - đang nhắm mục tiêu vào những quan chức nhận hối lộ dưới hình thức “cổ tức” từ các khoản đầu tư kinh doanh giả.

Đây là một loại hình tham nhũng mà chính quyền trung ương Trung Quốc cho rằng "đang trở nên phổ biến, kín đáo và phức tạp hơn".

CCDI cho biết trong những trường hợp này, các quan chức nhận "lợi nhuận" từ doanh nghiệp mà "không thực sự đầu tư" hoặc "không tham gia minh bạch" vào hoạt động của doanh nghiệp đó.

Trong nhiều trường hợp, công ty được đầu tư "không có hoạt động hoặc lợi nhuận thực tế" và chỉ chia cổ tức cho một số ít cổ đông là quan chức hoặc người được họ ủy quyền.

Ông Dương Đức Cao, cựu Phó Chủ tịch chi nhánh Hồ Bắc của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, lĩnh án 12 năm tù vì nhận hối lộ tổng số tiền 31 triệu nhân dân tệ. (Ảnh: SCMP)

CCDI trích dẫn trường hợp của Dương Đức Cao, cựu Phó Chủ tịch chi nhánh Hồ Bắc của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).

Ủy ban cho biết, từ năm 2005 - 2014, ông Dương đã lợi dụng vị trí của mình trong CDB để giúp một công ty vay vốn từ ngân hàng của mình.

Ông Dương và 4 đồng phạm cũng đầu tư 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ đồng) vào công ty, trở thành cổ đông và nhận cổ tức cố định hàng năm.

Nhóm 5 người này đã nhận được 8 triệu nhân dân tệ (27,8 tỷ đồng) tiền "trả cổ tức" và lấy lại "vốn gốc" 2 triệu nhân dân tệ chỉ sau ít năm. Trong đó, số tiền ông Dương nhận được vượt quá số tiền hợp pháp của mình hơn 3,74 triệu nhân dân tệ (khoảng 13 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ông Dương cũng lợi dụng chức vụ để thực hiện nhiều hành vi nhận hối lộ khác. Tháng 1/2023, Dương Đức Cao bị kết án 12 năm tù vì nhận hối lộ tổng số tiền hơn 31 triệu nhân dân tệ (hơn 45 tỷ đồng).

Chiến dịch chống hối lộ như vậy là một phần trong ưu tiên của CCDI năm 2024 nhằm trấn áp “tham nhũng liên quan đến thông đồng chính trị và kinh doanh”, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp nhà nước và các ngành năng lượng, thuốc lá, y tế và cơ sở hạ tầng.

Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo các cán bộ, đảng viên tránh đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân để tránh tình trạng quyền sở hữu dễ dẫn đến tham nhũng.

Quy định nội bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc nghiêm cấm đảng viên nắm giữ cổ phần tại các công ty chưa niêm yết, hạn chế họ chỉ được đầu tư vào cổ phiếu niêm yết.

Các quan chức cũng được yêu cầu kê khai các khoản đầu tư của gia đình, bao gồm cổ phiếu, bất động sản và bảo hiểm cho cơ quan thanh tra kỷ luật mỗi năm.

Ngoài ra, Luật Công chức nước này cũng quy định cán bộ, công chức không được "vi phạm các quy định liên quan để tham gia hoạt động vì lợi nhuận hoặc kiêm nhiệm chức vụ tại doanh nghiệp, tổ chức vì lợi nhuận khác".

CCDI chỉ ra rằng để lách luật và tránh bị điều tra, các quan chức thường chỉ định người thân trong gia đình hoặc bên thứ ba khác làm cổ đông của công ty.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ kể từ khi lên nắm quyền năm 2012.

Trong những năm qua, chiến dịch này đã trừng phạt hơn 1,5 triệu quan chức chính phủ. Chỉ riêng gần 3 tháng đầu năm nay, cuộc trấn áp của CCDI đối với lĩnh vực tài chính trị giá 61.000 tỷ USD đã trừng phạt hơn 100 giám đốc điều hành và quan chức.

Hồi tháng 1, CCDI cho biết khoảng 110.000 quan chức đảng phải đối mặt với biện pháp kỷ luật, tăng 13% so với năm trước.

Năm ngoái, ủy ban đã mở cuộc điều tra tham nhũng đối với 45 quan chức cấp cao, một con số kỷ lục.

Giới quan sát cho rằng chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ không sớm kết thúc. Trong chỉ thị với CCDI vào tháng 1, ông Tập cho biết ông coi những nỗ lực này là rất quan trọng đối với sự lãnh đạo lâu dài của đảng cũng như “bản chất tiên tiến và trong sạch” của đảng.

Hoa Vũ

Tin mới