Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lực lượng Tên lửa - Điểm nóng mới trong cuộc trấn áp tham nhũng của Trung Quốc

(VTC News) -

Lực lượng Tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được xem là điểm nóng mới trong chiến dịch trấn áp tham nhũng của chính phủ nước này.

Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (Quân đội Trung Quốc), là một chi nhánh ưu tú mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thành lập để giám sát kho vũ khí tên lửa hạt nhân và đạn đạo đang mở rộng nhanh chóng của nước này, dường như đang là điểm nóng mới trong chiến dịch trấn áp tham thũng thời gian gần đây.

Lực lượng Tên lửa đang là điểm nóng mới trong chiến dịch trấn áp tham thũng trong quân đội của Trung Quốc. (Ảnh: Nationalinterest)

Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Chính hiệp Trung Quốc khóa 14 bế mạc tại Bắc Kinh ngày 2/3 đã quyết định loại bỏ tư cách thành viên Chính hiệp khóa 14 của 4 nhân vật cấp cao trong lĩnh vực tên lửa và hàng không vũ trụ.

4 người này gồm: ông Ngô Yến Sinh, cựu Chủ tịch Tập đoàn Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc; ông Lưu Thạch Tuyền, cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Vũ khí Trung Quốc, ông Vương Trường Thanh, cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc; và ông Vương Tiểu Quân, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ tên lửa đẩy Trung Quốc.

Quyết định loại bỏ tư cách thành viên của các quan chức này thực tế đã được Hội nghị Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc xem xét và thông qua vào cuối năm 2023.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã loại 9 quan chức quân đội khỏi Quốc hội, trong đó có 5 nhân vật thuộc Lực lượng Tên lửa, bao gồm Thượng tướng Lý Ngọc Siêu, cựu Tư lệnh lực lượng này.

Bắc Kinh thường không đưa ra bất kỳ giải thích nào, nhưng theo các nhà phân tích, một số người có thể liên quan đến tham nhũng trong Lực lượng Tên lửa.

Một loạt những động thái trên gần như nối tiếp sự kiện ông Lý Thượng Phúc bị miễn nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vào tháng 10/2023, sau nhiều tuần không xuất hiện trước công chúng.

Quan chức có nhiều cống hiến

Các nhân vật "mất ghế" kể trên đều là những lãnh đạo cấp cao và có nhiều cống hiến. Trong đó, ông Vương Tiểu Quân được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu về chương trình không gian của Trung Quốc. Ông là người chỉ huy phát triển dòng tên lửa Trường Chinh-7, được sử dụng để tiếp tế cho trạm vũ trụ Thiên Cung và phóng vệ tinh.

Cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ tên lửa đẩy Trung Quốc Vương Tiểu Quân. (Ảnh: SCMP)

Theo Tân Hoa Xã, ông Vương Tiểu Quân đã có những đóng góp quan trọng cho sự "thành công mỹ mãn" của dự án thực hiện chuyến bay có người lái vào vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, và "hiện thực hóa giấc mơ thiên niên kỷ" của Trung Quốc về việc bay vào vũ trụ.

Ông Vương Tiểu Quân được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ Tên lửa đẩy Trung Quốc (CALT) vào tháng 2/2020. CALT là nơi khai sinh ra ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc, cũng là cơ sở phát triển, thử nghiệm và sản xuất vũ khí đạn đạo và tên lửa đẩy lâu đời nhất và lớn nhất của nước này.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Vũ khí Trung Quốc Lưu Thạch Tuyền. (Ảnh: Baidu)

Cũng đạt được nhiều thành tích nổi bật là ông Lưu Thạch Tuyền, người từng được xem là "thần đồng" khi 15 tuổi được nhận vào Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc) và được trao danh hiệu kỹ sư cao cấp trẻ nhất của Tập đoàn Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc ở tuổi 28.

Ông Lưu Thạch Tuyền từ lâu đã cam kết phát triển tên lửa chiến thuật đất đối đất và được giới truyền thông ca ngợi là “Cha đẻ của tên lửa hành trình Trung Quốc”.

Một nhân vật khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm là ông Lý Ngọc Siêu. 

Theo The Paper, ông Lý Ngọc Siêu là một sĩ quan cấp tướng đã trưởng thành từng bước từ cấp cơ sở và có trình độ sâu sắc. Ông từng phục vụ lâu năm trong Quân đoàn pháo binh số 2. Năm 2020, ông được thăng chức Tham mưu trưởng Lực lượng Tên lửa trước khi được bổ nhiệm vị trí chỉ huy Lực lượng Tên lửa năm 2022.

Ông Lý Ngọc Siêu cũng là một trong số ít tướng lĩnh tham gia hai cuộc duyệt binh. Năm 2009, ông lái một chiếc xe tên lửa chiến lược diễu hành trong cuộc duyệt mừng Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 60. Sáu năm sau đó, ông dẫn đầu Quân đoàn Pháo binh số 2 diễu hành trong cuộc duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng cuộc chiến Chống Nhật.

Ông Lý Ngọc Siêu bị mất chức vào tháng 7/2023.

Cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Trung Quốc Lý Ngọc Siêu. (Ảnh: Baidu)

Làm suy yếu quân đội?

Theo CNN, Lực lượng Tên lửa đóng vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra với Trung Quốc, bằng cách tiên phong các cuộc tấn công hay ngăn chặn mối đe doạ của kẻ thù.

Do tầm quan trọng chiến lược của Lực lượng Tên lửa, một số ý kiến cho rằng cuộc thanh trừng sâu rộng có thể ảnh hưởng đến hoạt động hoặc khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này.

Tuy nhiên, cựu giám đốc trung tâm Tình báo Liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Carl Schuster đánh giá về tổng thể “khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc khó có thể bị tổn hại ở bất kỳ mức độ đáng kể nào”.

“Các lãnh đạo cấp cao đã tham gia vào việc xây dựng Lực lượng Tên lửa nhưng tại thời điểm này, dường như họ chưa tham gia vào bất kỳ các hoạt động hay kế hoạch tác chiến nào”, ông Schuster nói, lưu ý thêm rằng "ông Tập vẫn giữ nguyên các chỉ huy và tướng cấp tác chiến".

Theo chuyên gia Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị bùng nổ, về lâu dài, điều quan trọng đối với ông Tập là phải dọn dẹp tình trạng tham nhũng trong quân đội, đặc biệt là các "con hổ" xung quanh hệ thống vũ khí của lực lượng này.

"Nếu các cuộc thanh trừng dẫn đến một lực lượng chiến đấu có kỷ luật hơn, hiệu quả hơn và trung thành hơn, thì đó có thể là một chiến thắng dành cho ông Tập Cận Bình", ông Schuster nói.

Cuộc thanh lọc quân đội

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông phát động cuộc trấn áp chống tham nhũng trên diện rộng, trừng phạt hàng nghìn các quan chức Đảng Cộng sản, chính phủ, doanh nghiệp nhà nước,... và cả trong quân đội.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ kể từ khi lên nắm quyền. (Ảnh: Reuters)

Phát bắn đầu tiên nhắm tới các "con hổ" trong quân đội là vào năm 2014, khi ông Tập Cận Bình ra lệnh bắt giữ Từ Tài Hậu, - cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Theo Tuần báo Phượng Hoàng, Từ Tài Hậu từng suýt bị bị loại khỏi quân ngũ năm 1982 do năng lực yếu và mãi không đủ điều kiện kết nạp đảng. Tuy nhiên, nhờ có một bức thư tay từ Bắc Kinh gửi về Cát Lâm, đường quan lộ của Từ lên như diều gặp gió, lần lượt được cất nhắc làm Phó trưởng ban nhân sự của Phòng Chính trị Quân khu Cát Lâm (1983), rồi tới Chính uỷ Tập đoàn quân 16 của Lục quân (1992). Những năm tiếp theo, Từ Tài Hậu tiếp tục được điều động làm Chính ủy Quân khu Tế Nam. 

Năm 1999, Từ Tài Hậu thăng hàm Tướng và được bầu vào Quân ủy Trung ương Trung Quốc. 5 năm sau đó, ông ta trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đến năm 2007, Hậu được bầu vào Bộ Chính trị.

Tới tháng 3/2014, ông ta bị bắt để phục vụ điều tra, dù đang điều trị bệnh ung thư bàng quang. Khi tiến hành khám xét dinh thự sang trọng của Từ Tài Hậu ở Bắc Kinh, cơ quan điều tra đã thu giữ hơn một tấn tiền mặt ở tầng hầm, cùng nhiều tài sản giá trị khác như ngọc bích, cẩm thạch và tranh, thư pháp cổ.

Tháng 10/2014, Từ thừa nhận tội danh nhận hối lộ “với số tiền cực kỳ lớn”, mà theo các nguồn tin trong quân đội nước này vào khoảng 1 tỷ nhân dân tệ (hơn 3.500 tỷ đồng). 

Tháng 3/2015, Từ Tài Hậu qua đời vì ung thư trong bệnh viện, trước khi bị đưa ra xét xử.

Cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu. (Ảnh: Reuters)

Sau Từ Tài Hậu, ông Tập Cận Bình tiếp tục công cuộc thanh lọc tham nhũng trong quân đội với việc bắt giữ một cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khác là Quách Bá Hùng vào năm 2015, với các cáo buộc tương tự.

Với chức vụ Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Quách Bá Hùng có quyền quyết định việc chi tiêu ngân sách quốc phòng cũng như quyết định công ty nào được tham gia dự án của quân đội. Quách được truyền thông Trung Quốc đặt cho biệt danh "Con sói Tây Bắc" do giữ chức vụ đó trong 10 năm (2002 - 2012).

Quách Bá Hùng bị cáo buộc lợi dụng chức vụ của mình để giúp đỡ người khác thăng tiến, điều chỉnh công việc, đồng thời nhận hối lộ trực tiếp và thông qua người nhà, số tiền đặc biệt lớn. Thậm chí, con trai ông là Quách Chính Cương từng kiêu ngạo tuyên bố: “Hơn một nửa số cán bộ trong quân đội là do gia đình tôi thăng chức”.

Tại phiên toà xét xử ngày 25/7/2016, Quách Bá Hùng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và tòa án quân sự kết án tù chung thân vì tội tham nhũng.

Các vụ bắt giữ Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng là chưa từng có tiền lệ, đánh dấu việc lần đầu tiên các sĩ quan nghỉ hưu ở cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Những người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình cũng chưa bao giờ thực hiện cuộc "truy quét" nào tương tự nhắm vào quân đội.

Kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào năm 2012 đến nay, 73 "hổ lớn" trong Quân đội Trung Quốc bị điều tra, trừng phạt. Danh sách không bao gồm những người bị miễn nhiệm hay từ chức, như trường hợp của ông Lý Thượng Phúc.

Theo Reuters, Trung Quốc chi hàng tỷ USD vào việc mua và phát triển thiết bị như một phần trong nỗ lực hiện đại hóa nhằm xây dựng quân đội “đẳng cấp thế giới” vào năm 2050.

Tuy nhiên, vấn nạn tham nhũng là một trở ngại lớn với kế hoạch của nước này, và đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có đang thực hiện giám sát đầy đủ đối với các khoản đầu tư quân sự khổng lồ này, trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ không ngừng nóng trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm cả vùng lãnh thổ Đài Loan và Biển Đông.

Phó giáo sư Alfred Wu ở Trường Chính sách công Lee Kuan Yew Singapore, nhận định: “Sẽ có thêm nhiều nhân vật ngã ngựa. Cuộc thanh lọc tham nhũng xoay quanh quân đội vẫn chưa kết thúc”.

Hoa Vũ

Tin mới