Sáng sớm 16/11 (giờ địa phương), từ trung tâm vũ trụ Kenedy (bang Flordia, Mỹ), tàu vũ trụ Orion được phóng lên quỹ đạo, thực hiện sứ mệnh Artemis I lịch sử sau nhiều tháng được mong đợi. Sự kiện quan trọng này đánh dấu mốc khởi động một hành trình đưa tàu vũ trụ không người lái bay quanh Mặt trăng, mở đường cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng lần đầu tiên sau nửa thế kỷ.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi sứ mệnh Apollo khám phá Mặt trăng kết thúc vào năm 1972, một tàu vũ trụ được thiết kế để đưa con người lên Mặt trăng thu được hình ảnh của Trái đất.
Trái đất được chụp từ tàu vũ trụ Orion. (Ảnh: NASA)
NASA đã sử dụng hệ thống phóng không gian (SLS) - hệ thống tên lửa mạnh nhất từng được cơ quan này chế tạo với 30 tầng - để phóng tàu Orion vào vũ trụ. Trước đó, các chuyên gia đã đánh giá kỹ lưỡng bệ phóng 39B từ ngày 10/11 để xác nhận không có tác động đáng kể nào của bão Nicole. Các nhà khí tượng dự báo điều kiện thời tiết thuận lợi 90% cho vụ phóng tàu vũ trụ thực hiện sứ mệnh Artemis 1.
Gần 8 tiếng sau khi phóng, tàu vũ trụ Orion trải qua quá trình đốt cháy điều chỉnh đường bay hướng ra ngoài, đảm bảo tàu đi đúng hướng. Dự kiến tàu sẽ tiếp cận Mặt trăng ở khoảng cách gần nhất (96 km) vào ngày 21/11.
Tàu Orion được trang bị 16 camera bên trong và bên ngoài để ghi lại hành trình khác nhau từ các góc nhìn khác nhau. Một hình ảnh được chia sẻ trong ngày 16/11 cho thấy Thuyền trưởng Moonikin Campos, một trong những hình nộm của Artemis mặc đồ bảo hộ ngồi trong tàu vũ trụ. Trong sứ mệnh lần này, NASA đặt các mô hình ma-nơ-canh người vào thay thế các phi hành gia thật, để xem xét tính an toàn của tàu.
Hình nộm giả làm phi hành gia đặt trong tàu vũ trụ. (Ảnh: NASA)
Sau nhiệm vụ Artemis 1, các phi hành gia sẽ thực hiện hành trình vào năm 2024 và 2025 trong nhiệm vụ Artemis 2 và Artemis 3.
NASA muốn xây dựng một trạm vũ trụ trên Mặt Trăng có tên là Gateway và duy trì sự hiện diện lâu dài trên Mặt Trăng trước khi thực hiện sứ mệnh đưa con người lên Sao Hỏa vào năm 2030.