Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở TP.HCM với số ca nhiễm và số ca tử vong tăng mạnh so cùng kỳ năm 2021. Tính đến 22/7, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy là 32.011 ca, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8.128 ca). 16 ca tử vong được ghi nhận tại 10 quận, huyện trên địa bàn TP.
Tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế TP.HCM nêu giải pháp giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, bao gồm tăng cường diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi, chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp nhận, thu dung, điều trị sốt xuất huyết, chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết.
Trong đó, công tác truyền thông phòng chống dịch được thực hiện tại các quận, huyện trên địa bàn, nhưng đến nay chưa đạt hiệu quả cao.
Dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, qua kết quả kiểm tra thực tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, gần 20% hộ dân vẫn có lăng quăng trong nhà, tỷ lệ có lăng quăng ở các địa điểm có người quản lý và địa điểm không có người quản lý trực tiếp xấp xỉ 50%, cho thấy một bộ phận người dân và cả các cơ quan tổ chức vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc phòng chống dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã Hội HĐND TP.HCM nêu quan điểm: TP.HCM đã làm tốt vai trò chuyên môn, tuy nhiên, chưa tận dụng được sức mạnh của cộng đồng để đẩy lùi dịch sốt xuất huyết.
Các biện pháp truyền thông của sở, ban, ngành mới chỉ dừng ở mức đưa thông tin một chiều, chưa có tác động cụ thể để thay đổi hành vi của người dân.
"Hiệu quả huy động sức dân trong phòng chống dịch sốt xuất huyết còn thấp. Chúng ta phải đánh giá lại hoạt động truyền thông hiện nay đang ở mức độ nào. Liệu đánh giá được không, khi hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng chống dịch chỉ đưa thông tin một chiều qua các nhóm, tờ rơi, biểu ngữ.
Để người dân thay đổi hành vi, chúng ta cần đưa thông tin hai chiều theo 3 cấp độ: tuyên truyền, truyền thông và truyền thông thay đổi hành vi. Muốn thay đổi hành vi thì cần có truyền thông thay đổi hành vi, cần dựa vào cộng đồng để lựa chọn giải pháp truyền thông phù hợp.
Thay vì tiếp cận từ trên xuống theo mô hình Nhà nước, các sở, ban, ngành cần tiếp cận từ dưới lên, tức là đi lên từ cộng đồng, từ phía người dân, rồi nghiên cứu kỹ để làm tốt công tác truyền thông", ông Nhựt nêu ý kiến..
Các địa phương đối diện nguy cơ dịch chồng dịch khi dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, bên cạnh dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại.
Quan điểm chống dịch sốt xuất huyết là giúp người dân xây dựng cách phòng tránh tốt nhất cho mình, bên cạnh các phương án phòng dịch được chính quyền áp dụng đại trà trên địa bàn như phun thuốc muỗi, diệt lăng quăng. Việc chống dịch cần được quản lý sát sao, củng cố ở từng phường, xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Minh Nhựt cũng cho rằng hiện nay một bộ phận người dân đang ỷ lại vào chính quyền, thay vì có những biện pháp tự bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết.
Về kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch, Sở Y tế TP.HCM nêu phương án tăng cường truyền thông qua các hội nhóm để chia sẻ tài liệu truyền thông điện tử, bên cạnh sử dụng các kênh mạng xã hội nổi tiếng của quận, huyện, TP Thủ Đức để cập nhật tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và thông tin truyền thông.
Sở Y tế cũng kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM hỗ trợ gửi tin nhắn vận động, kêu gọi người dân cùng chung tay với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết.
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất với phương án tuyên truyền qua tin nhắn, nhưng đề xuất có thêm những hình ảnh, clip minh họa trực quan sinh động. Những người dân ở khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết cần được cung cấp thêm những thông tin riêng, tuyệt đối không gửi tin nhắn đại trà cho toàn dân.