Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hiệp định UKVFTA tạo cú hích cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam

(VTC News) -

Nói về tác động của hiệp định thương mại tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, chuyên gia nêu ra nhiều cơ hội cũng nhưng thách thức.

Phát biểu tại hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương quốc Anh: Thành tựu và triển vọng”, các chuyên gia đã thảo luận về nhiều phương diện phát triển của mối quan hệ hai nước trong 5 thập kỷ qua.

Ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phát biểu: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà mọi thứ ngày càng trở nên khó dự đoán. Vì vậy, quan trọng là đối thoại để thấu hiểu lẫn nhau và đó là một trong những điều chúng ta đang làm hôm nay. Việt Nam và Anh có nhiều điểm chung, không chỉ cùng là các quốc gia hàng hải, chúng ta còn cùng ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại tự do, những điều tạo nên sự thịnh vượng của hai quốc gia. Và tôi nghĩ cả hai nước chúng ta đều cởi mở với những ý tưởng mới, với việc chia sẻ kinh nghiệm”. 

Trong những bước tiến triển của mối quan hệ, các hiệp định thương mại được nhắc đến như một thành tựu nổi bật, gợi mở nhiều tiềm năng hợp tác. Các chuyên gia đều cho rằng còn nhiều dư địa để hai quốc gia tiếp tục làm việc cùng nhau trong thời gian tới, nổi bật là chuyển đổi xanh và năng lượng tái tạo. 

Một phiên thảo luận tại hội thảo. 

Theo PGS.TS Hà Văn Hội, trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, các hiệp định như UKVFTA đã có tác động lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, góp phần đẩy kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh tăng trưởng trở lại sau thời gian đại dịch.

Dựa trên các mô hình phân tích dữ liệu của Ngân hàng thế giới, các chuyên gia đánh giá hiệp định tạo ra cú hích cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hậu Brexit. Bên cạnh đó, khi Vương quốc Anh xúc tiến dự định gia nhập CPTPP, các nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (dệt may, thủy sản...) tiếp tục có cơ hội hưởng ưu đãi lớn hơn từ các chương trình xóa bỏ và giảm thuế quan.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều thách thức như các tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Anh khá khắt khe, nguy cơ các biện pháp phòng vệ thương mại, và cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.

Cũng trong hội thảo, nói về tổng quan mối quan hệ, chuyên gia Ben Bland, giám đốc chương trình châu Á – Thái Bình Dương và quan hệ song phương Anh – Việt, thuộc cơ quan nghiên cứu Chatham House nhận định CPTPP là một cấu trúc có lợi cho tương lai mối quan hệ song phương Việt Nam – Vương quốc Anh, cùng với sự tham gia ngày càng tăng của Anh với ASEAN. Ông cho rằng thách thức đối với Vương quốc Anh và Việt Nam là tìm ra cách để thực hiện các cam kết đa phương xung quanh.

Chuyên gia đưa ra 3 đề xuất để phát triển hơn nữa mối quan hệ, bao gồm sự trung thực giữa các bên về mong muốn và mục tiêu của mình, thứ hai là tập trung vào những lĩnh vực có lợi ích chung lớn nhất, thứ ba là sự hợp tác của không chỉ các cơ quan chính phủ mà còn các nhóm nghiên cứu, giáo dục, các tổ chức khác trong các lĩnh vực.

Theo TS. Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, sau thời gian triển khai có hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Vương quốc Anh tiến triển ngày càng mạnh mẽ, với tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 5,9 tỷ GBP, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Về lĩnh vực giáo dục, Anh hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam với 74 chương trình giáo dục xuyên quốc gia của 23 trường đại học. Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng ghi nhận những bước phát triển mới, trong bối cảnh Anh đang tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á và coi Việt Nam là một đối tác chính tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việt Nam và Vương quốc Anh cũng không ngừng củng cố quan hệ hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai nước cũng đang hợp tác để hướng tới Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP). Bên cạnh đó, hai bên cũng có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Việt Nam và Anh luôn coi trọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, cũng như bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, coi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển.

Phương Anh

Tin mới