Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hết cổng sập lại đến đổ tường: 'Mỗi ngày đến trường là một ngày lo'

(VTC News) -

Sau khai giảng đầu năm học mới, liên tiếp những sự việc thương tâm xảy ra, cơ sở vật chất yếu kém cướp đi sinh mạng 4 học sinh, khiến giáo viên và phụ huynh bất an.

Ngay trong tuần đầu tiên của năm học mới, ngành giáo dục liên tục nhận những tin buồn khi hàng loạt vụ tai nạn xảy ra trong trường học, cướp đi sinh mạng của 4 em học sinh tội nghiệp.

Đầu tiên là vụ sập cổng trường ở Lào Cai đè chết 3 em nhỏ, rồi đến quạt trần rơi trúng đầu khiến một học sinh phải nhập viện, và mới đây nhất là vụ sập tường rào trước trường học ở Nghệ An khiến một nam sinh lớp 5 bỏ mạng trong giờ ra chơi. 

Những sự việc đáng tiếc cứ thế nối đuôi nhau xảy ra, "sát thủ" không ai khác chính là trang thiết bị, cơ sở vật chất trường học yếu kém và xuống cấp.

Chắc chắn phụ huynh không thể tưởng tượng rằng buổi sáng họ đưa con đến trường học, trao tận tay những người có trách nhiệm, thậm chí đưa con vào tận lớp học, mà buổi chiều lại nhận được tin báo con gặp tai nạn, thậm chí tử vong trong chính ngôi trường đó.

Phải chăng việc đảm bảo an toàn cơ sở vật chất trường học còn rất nhiều lỗ hổng và nhiều nơi đang quá chủ quan. Không biết tới khi nào mới hết cảnh mỗi ngày tới trường là một ngày giáo viên và phụ huynh nơm nớp cho sức khoẻ, an toàn của các em.

3 em học sinh ở Lào Cai chết thương tâm sau cánh cổng trường đổ sập.

Sau mỗi sự việc luôn là bài ca nhận trách nhiệm, nhưng rồi xử phạt đến đâu thì không mấy công khai đến dư luận. Điển hình như vụ sập cổng trường ở điểm trường Bản Phung (huyện Văn Bàn, Lào Cai) tuần qua, ông Vũ Kim Phúc, Hiệu trưởng nhà trường đưa ra lời giải thích cổng trường được xây dựng từ năm 2016. Trong khi đó, ông được bổ nhiệm năm 2017 nên không giám sát được quá trình xây dựng. Như vậy có được coi là tắc trách và chối bỏ trách nhiệm?

Ngoài ra, người đứng đầu nhà trường luôn có những lý do kiểu như chờ dự án, chờ phê duyệt, chờ kinh phí… đến khi tai nạn xảy ra, lúc đó những cơ quan có trách nhiệm mới đến kiểm tra, chỉ đạo, lên phương án di dời học sinh và cải tạo, xây mới các trường học. Quá muộn cho một mạng người, nói một cách chua xót hơn là học sinh phải đổi mạng để trường học được an toàn hơn.

Tại các trường, vấn đề nâng cấp, sửa chữa phụ thuộc rất nhiều vào “độ rộng, hẹp” của ngân sách địa phương. Nếu đặt ra yêu cầu các trường phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh là điều không ai dám hứa chắc. Đó là chưa kể theo quy định của Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành, các vấn đề về an toàn thiết bị, xây dựng phòng chức năng cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức.

Không thể vì phượng đổ mà chặt toàn bộ phượng, cũng không thể vì đổ cổng mà phá hết cổng trường. Ngành giáo dục cần phối hợp tốt hơn nữa với địa phương đánh giá chất lượng các công trình trong nhà trường và kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trước thềm năm học mới, mang tính tạm bợ như hiện nay.

Ngày 8/9, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các UBND tỉnh, thành phố đề nghị rà soát, kiểm tra, bảo trì cơ sở vật chất trường học sau khi xảy ra các sự cố gây thương vong cho học sinh.

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tiến hành ngay việc đánh giá chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão, lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

"Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, UBND các tỉnh, thành cần kịp thời phản ánh tình hình về Bộ GD-ĐT để phối hợp, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền" - văn bản nêu.

Trước đó, một số địa phương đã để xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng đến môi trường an toàn cho học sinh như sập cổng trường, sập tường rào, sập trần lớp học...

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do các công trình trường học được xây dựng từ lâu nhưng không cải tạo, bảo trì theo quy định. Các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng trường học.

Chi Lan (Giáo viên, trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội)

Tin mới