Đâu đó ở Thái Bình Dương là một "đảo rác" trôi nổi giữa Hawaii và California. Nơi đây là tập hợp của hàng chục nghìn tấn rác thải, từ lưới đánh cá cho tới nhựa vi sinh. Đảo rác Thái Bình Dương có diện tích 1,6 triệu km2, rộng gấp gần 3 lần so với nước Pháp.
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu cho rằng không thể di chuyển nổi đảo rác này. Nhưng mới đây, một tổ chức phi lợi nhuận cho rằng, việc này là hoàn toàn có thể.
Vào tháng 7, Ocean Cleanup - công ty phát triển hệ thống dọn dẹp đảo rác Thái Bình Dương đưa hệ thống dọn dẹp quy mô lớn đầu tiên của mình - Hệ thống 002, hay Jenny, đến Thái Bình Dương.
Về cơ bản, Jenny được cấu tạo như một tấm lưới kéo được kéo đi bởi 2 con tàu chạy trên biển với tốc độ 2,78 km/h. Dòng hải lưu sẽ đẩy rác trôi về tấm lưới này.
Hệ thống thu gom rác thải nhựa trên mặt biển Jenny của Ocean Cleanup. (Ảnh: Ocean Cleanup)
Ocean Cleanup đã thực hiện một loạt các thử nghiệm trong suốt 12 tuần. Với mỗi thử nghiệm, hệ thống được đưa ra ngoài khơi để thu gom nhựa từ đại dương một cách an toàn.
Ocean Cleanup hoàn thành thử nghiệm cuối cùng vào giữa tháng 9.
Trên Twitter, công ty này cho biết họ kéo thành công 9 tấn rác bao gồm bệ ngồi toilet, bàn chải đánh răng, giỏ đựng quần áo, giày, xe trượt tuyết và dụng cụ câu cá....về đất liền đề xử lý
"Thật không thể tin nổi. Nó đã thành công", Boyan Slat - người sáng lập Ocean Cleanup cho hay.
Slat cho biết cách đây 10 năm, khi anh lần đầu tiên được nghe về đảo rác Thái Bình Dương, mọi người đều tin rằng không thể làm sạch nó. "Khi đó họ đã đúng. Nhưng giờ thì chúng ta có thể", anh cho hay.
Đại diện của Ocean Cleanup cho biết, trong khi công ty này sử dụng Jenny để dọn dẹp, họ đang tiếp tục nghiên cứu để đưa vào sử dụng Hệ thống 003. Hệ thống này dự kiến sẽ lớn hơn gấp 3 lần so với hệ thống hiện tại.
"Mặc dù nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng đây là bằng chứng cho thấy chúng ta vẫn có thể dọn dẹp nó. Chúng tôi còn nhiều việc để làm, nhưng điều chúng cần biết là với một hạm đội nhỏ của hệ thống này, chúng ta có thể dọn dẹp bãi rác đó", Slat chia sẻ.
Khi được đưa trở về đất liền, số rác mà Ocean Cleanup thu gom sẽ được xử lý và tái chế. Ocean Cleanup đang sử dụng nhựa tái chế từ chỗ rác thải này làm ra các cặp kính giá 200 USD để có thêm chi phí trang trải cho hoạt động của mình.
Các hệ thống như Jenny được đánh giá cao vì chúng thân thiện với môi trường. Do các tàu kéo di chuyển khá chậm nên các sinh vật có thể bơi vào, ra và xung quanh tấm lưới. Các thủy thủ trên tàu cũng theo dõi các hoạt động tương tác của sinh vật biển để có điều chỉnh thích hợp.
Slat ước tính cần khoảng 10 thiết bị như Jenny để dọn sạch khoảng 50% rác ở đảo rác Thái Bình Dương trong vòng 5 năm tới. "Nếu được triển khai đúng cách, chúng tôi có thể loại bỏ 90% rác nổi trên đại dương trước năm 2040", Slat cho hay.
Slat cũng cho biết các hệ thống của Ocean Cleanup rất thân thiện với môi trường vì chạy bằng điện mặt trời. Dù vậy, nỗ lực của Ocean Cleanup đang vấp phải chỉ trích từ các nhà hoạt động khí hậu và các chuyên gia.
Vào tháng 9, Miriam Goldstein, giám đốc chính sách đại dương tại Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ cho rằng làm sạch đại dương tốt nhưng cần ưu tiên ngăn chặn nhựa xâm nhập vào đại dương. “Một khi nhựa đã đi vào đại dương, sẽ rất tốn kém để đưa nó trở lại", ông này cho hay.