(VTC News) - Theo nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh, nơi đây có thể là khu vực có quy mô lớn nhất của Ngọa Vân dưới thời Trần.
Ngủ lại chùa Hồ Thiên một đêm, sớm hôm sau, tôi và anh Tuấn – người dẫn đường, tiếp tục cắt rừng nhằm hướng đỉnh Vây Rồng. Theo anh Tuấn, nếu đi liên tục thì mới kịp về Trại Lốc, chứ cứ vừa đi vừa vạch vẽ từng lùm cây bụi cỏ tìm phế tích, thì có mà cả tuần không đi hết được các di tích ở sườn Tây Yên Tử này.
Anh Tuấn bảo: “Chỗ nào cũng bị giật mìn, bị đào phá, đập nát như nhau mà thôi, cổ vật quý hiếm đều đã mất sạch sẽ cả rồi, nên có tìm hiểu nữa thì cũng chỉ có vậy mà thôi”.
Người dẫn đường và phóng viên trên hành trình từ Hồ Thiên lên núi Vây Rồng. |
Lời anh Tuấn thật đau lòng, khiến tôi chẳng còn hy vọng gì tìm được một di tích nguyên vẹn.
Con đường từ núi Phật Sơn lên đỉnh Vây Rồng, nơi có am Ngọa Vân nổi tiếng, có rừng trúc Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa trong thế sư tử tọa khá dốc.
Cuốc bộ đến bở hơi tai thì lên đến một đỉnh núi. Đỉnh núi này khá lạ, chả có cây cối gì, chỉ có những bãi cỏ và những tảng đá khổng lồ xám xịt lô nhô cùng với gió thổi như bão. Anh Tuấn bảo, nơi này người dân gọi là khu Đá Chồng.
Một góc núi Đá Chồng. |
Đứng trên những tảng đá nặng cả trăm tấn ở khu Đá Chồng, có thể quan sát 3 hướng Đông, Tây, Nam với tầm nhìn rất rộng. Những ngày trời trong xanh, có thể nhìn tới tận tỉnh Hải Dương và rõ một một sườn Đông Yên Tử với thị xã Uông Bí dưới chân núi.
Theo anh Tuấn, hồi các nhà khoa học đào bới ở khu vực này, anh cũng tò mò lên xem. Có nhà khoa học nói với anh rằng, nơi đây từng là một di tích lớn.
Tôi nhìn quanh khu vực rộng mênh mang, chỉ thấy vương vãi một số tảng đá, chân đế, gạch ngói thời Trần, Lê, tuyệt nhiên chẳng còn dấu tích gì rõ rệt.
Từ núi Đá Chồng có thể quan sát được rất xa. |
Sau này, đọc một số tài liệu của nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh (Viện Khảo cổ) mới biết rằng, khu vực Đá Chồng rộng mênh mông, hàng chục ha, trên đỉnh một ngọn núi gọi là Đèo Voi, từng là khu vực đậm đặc các di tích.
Các di tích phân bố kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh Đá Chồng cao 621m so với mực nước biển. Các kiến trúc bao gồm hồ nước, khu vườn tháp, khu trung tâm và tịnh am. Khu vực này nằm trong quần thể Ngọa Vân am của sườn Tây Yên Tử.
Hiện tại, khu di tích khổng lồ, từng là thắng địa bậc nhất Yên Tử này không còn dấu tích nào rõ rệt, ngoài hồ nước rộng 2ha trên đỉnh núi vẫn tồn tại hàng triệu năm nay.
Ông Thịnh bảo rằng, các di tích ở núi Đá Chồng đã bị phá sạch. |
Hồ nước là nơi ông Thịnh lập cứ địa sinh sống. Ông chủ gia trang trên đỉnh Yên Tử này trồng khoai môn, thả trâu bò, cá mú xuống hồ và sống như một người rừng.
Theo tài liệu của nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh, phía bờ Tây Bắc của hồ nước, trên ngọn quả đồi từng là một khu vườn mộ tháp có quy mô khá lớn.
Tuy nhiên, ông Thịnh bảo, giờ vườn mộ tháp ấy chỉ còn lại những tảng đá đổ vật ngang ngửa. Bọn đào trộm đồ cổ đã phá nát từ lâu rồi.
Ngoài vườn mộ tháp, thì khu vực Đá Chồng còn hàng chục dấu vết di tích khác, gồm khu trung tâm, khu tịnh thất, vườn chùa, đặc biệt là dấu vết các lò nung. Như vậy, khu vực này ngoài các di tích mộ tháp, am, chùa, còn là khu vực công xưởng lớn, sản xuất các vật liệu kiến trúc phục vụ cho việc xây dựng hệ thống Ngọa Vân.
Đứng ở khu vực Đá Chồng, nhìn về hướng Đông, thấy có một ngọn núi mờ ảo như bậc thang gồm 3 bậc. Nơi đó, trong chính sử ghi rằng, có một ngôi chùa mang tên Ba Bậc, nằm trên đường hành hương từ Tây sang Đông Yên Tử và ngược lại.
Tôi đã cuốc bộ dọc sườn đỉnh núi cheo leo, lên tận thượng nguồn suối Bạc và suối Vàng, gọi là Ngã Ba Mài Dao để tận mắt ngôi chùa nổi tiếng, kết nối sườn Đông và sườn Tây Yên Tử.
Tuy nhiên, thứ còn lại chỉ là dấu vết các di vật. Ngôi chùa nổi tiếng khi xưa chỉ còn lại là một nền móng, gồm 3 lớp bó vỉa bằng đá cuội, cùng những chân tảng. Đạo tặc đã cơ bản phá xong ngôi chùa ngự trên lưng chừng dãy Yên Tử này.
Đỉnh Vây Rồng nhìn từ núi Đá Chồng. |
Quay trở lại khu vực Đá Chồng, chúng tôi tiếp tục vạch rừng trúc mênh mang tìm những di chỉ khảo cổ ẩn hiện trong rừng già. 700 năm là một khoảng thời gian rất dài, đủ để những thân cây lớn lên, rồi đổ xuống nhiều lần, tạo ra lớp mùn đất nhấn chìm những di tích quan trọng.
Đây đó, bên con suối, hoặc chặt dây rừng lần theo những bậc đá rêu phong, tôi vẫn tìm thấy những dấu tích đổ nát của những am đá, những tháp đá, nền cũ những công trình gạch đá 700 tuổi. Cả một thời đại huy hoàng đã bị lãng quên, bị cỏ mọc bít lối một cách đau lòng.
Vừa vạch trúc đi, tôi vừa tự hỏi, không biết Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông nằm chết ở đâu nếu không phải khu vực trúc ken dày này? Chẳng có thứ cây gì mạnh mẽ như trúc. Hễ trúc đã mọc lên, thì đố cây gì sống được.
Mặc dù có sức sống rất mãnh liệt, nhưng mỗi loài trúc chỉ sống được ở một độ cao và môi trường nhất định.
Một di tích còn khá nguyên vẹn của khu vực Ngọa Vân 3. |
Suốt hai ngày đi ròng rã, từ Đông sang Tây, rồi từ Tây sang Bắc, tôi thấy đây quả là khu rừng trúc đẹp, với những thân trúc vừa phải, mọc ken đặc, mà nhìn từ trên cao xuống, như mặt biển xanh nhấp nhô sóng khi những cơn gió núi thổi qua. Một thứ cảnh chỉ có thể tả bằng hai chữ: Tiên cảnh.
Xuyên qua đại ngàn trúc tít hút, thì một không gian rộng lớn khá bằng phẳng hiện ra. Đó là mỏm một ngọn núi. Tại đây, vẫn còn dấu tích rõ ràng của một tòa nhà lớn.
Xung quanh tòa nhà chỉ còn lại 4 bức tường đá dày là hàng loạt di chỉ, với những tảng đá chân cột thể hiện nơi đây từng là những tòa ngang dãy dọc. Suốt hành trình dọc ngang Yên Tử, có lẽ, đây là một công trình mà tôi thấy còn nguyên vẹn và rõ ràng nhất.
Rất nhiều phiến đá chân tảng lớn còn sót lại ở Ngọa Vân 3. |
Cho đến bây giờ, chưa nhà khoa học nào dám khẳng định chính xác tên của quần thể di chỉ này. Nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh cũng mới chỉ tạm gọi đây là khu vực Ngọa Vân 3 mà thôi.
Theo đó, đây là khu vực trung tâm của núi Vây Rồng, nằm ở độ cao trung bình 588m so với mặt nước biển. Đây là khu vực có diện tích lớn nhất của khu Ngọa Vân và là điểm có mật độ di vật đậm đặc.
Mặt nền của khu vực rộng lớn này vẫn còn nguyên vẹn với hệ thống bó vỉa bằng đá gồm nhiều cấp, cắt sâu vào sườn núi tạo thành bức tường vững chắc.
Tòa nhà bằng đá có mặt tiền gồm 3 cửa vòm cuốn, 4 hướng đều có cửa. Trên cửa chính của tòa nhà vẫn còn bức hoành phi đắp nổi hình chữ nhật, trong đề 3 chữ Hán là Ngọa Vân tự. Hai cột ngoài cùng có đôi câu đối, nhưng đã mờ tịt, nên các nhà khoa học cũng không thể đọc nổi.
Toàn cảnh khu vực Ngọa Vân 3, nơi từng có những di tích đồ sộ. |
Tòa nhà này chỉ mất phần mái, nên việc trùng tu rất khả thi. Việc bảo quản, giữ gìn tòa nhà khỏi sự phá hoại của những kẻ săn cổ vật là việc rất cần thiết.
Phía mặt tiền của tòa nhà là một không gian rộng. Tại đây, rất nhiều tảng kê chân cột khổng lồ , với đường kính u tròn lên tới gần 1 mét. Điều này chứng tỏ, nơi đây từng có những công trình rất đồ sộ, nguy nga.
Theo nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh, nơi đây có thể là khu vực có quy mô lớn nhất của Ngọa Vân dưới thời Trần.
Các nhà khoa học đã tiến hành đào thám sát trong khu vực, phát hiện vô số di vật thời Trần và Lê. Những món đồ sành, gốm, sứ thu được khá nhiều, mặc dù đạo tặc đã tàn phá di tích, đào bới nham nhở khắp nơi trong suốt nhiều năm ròng.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương