Tất cả đối với họ đều mới lạ vì lần đầu tham gia cứu hộ, cứu nạn ở một nơi xa và bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên có nhiều khó khăn cả về ngôn ngữ, thời tiết và điều kiện sinh hoạt. Nhưng điều đó không ảnh hưởng tới ý chí và quyết tâm của toàn đoàn với sứ mệnh cao cả là giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ và người dân Hatay vượt qua thảm họa của động đất.
Đoàn cứu hộ tiến vào những khu nhà đổ nát.
Toàn đoàn làm việc quên cả ngày đêm, chắt chiu từng phút giây. Nếu tìm được người còn sống sót hay có dấu hiệu của sự sống thì đó là điều vô cùng hạnh phúc. Nếu tìm được vị trí có nạn nhân mắc kẹt thì cũng là mong muốn, là hy vọng của biết bao người.
Xót thương khi vẫn còn nhiều người già, nhiều ông bố, bà mẹ, người con tha thẩn dưới bãi đổ nát của nhà mình để tìm kiếm các kỷ vật, kiếm tìm người thân trong bất lực, trong nỗi buồn sâu thẳm. Hình ảnh đó càng khiến các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam thêm quyết tâm, dũng cảm và nỗ lực. Antakya, Hatay lúc này chỉ còn tình đoàn kết và tình người với người để cùng nhau vượt qua mất mát đau thương này.
Đoàn cứu hộ, cứu nạn của của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Antakya, Hatay những ngày qua dường như chỉ có ngày, không có đêm. Tất cả các anh luôn sẵn sàng, khẩn trương, trách nhiệm. Từ 4h, tổ bếp đã dậy nấu cơm cho toàn đoàn trong cái giá lạnh âm độ, dù các anh mới chợp mắt được một lúc sau khi vừa dọn dẹp bữa tối.
Nước nấu, nước sinh hoạt cũng hạn chế và lạnh tới mức gần đóng băng. Nhưng tổ bếp đã nỗ lực để đảm bảo bữa ăn đủ, an toàn sức khỏe cho cả đoàn.
Đúng 7h toàn đoàn ăn sáng để 7h30 lên đường tới các điểm tìm kiếm người mắc kẹt trong các đống đổ nát. Từ chỉ huy tới các chiến sỹ quân y, công binh, biên phòng, chó nghiệp vụ nhanh nhẹn và thành thục mọi động tác tới từng chi tiết để làm sao nhanh nhất có thể tìm thấy các nạn nhân mắc kẹt trong các đống đổ nát.
Người dân Hatay đề nghị đoàn giúp tìm kiếm người thân trong đống đổ nát.
Tại các khu nhà đổ nát, nghiêng ngả, theo vị trí cứu hộ mà lực lượng cứu hộ địa phương đề nghị, các chiến sỹ ta hành quân tới, đi qua những khu nhà chật hẹp và nghiêng nứt. Hơn hai tuần sau thảm họa động đất, những khu vực cứu hộ và tìm kiếm đã bốc mùi thối, nhiều rủi ro rình rập nhưng các chiến sỹ ta vẫn tiến vào. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ như giúp chính người thân của mình.
Không có gì có thể cản trở các anh nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân giúp người dân nơi đây. Ngay cả khi Antakya, Hatay lúc này có thể gọi là thành phố “ma” bởi hàng nghìn người đã chết vì động đất, hàng trăm gia đình vẫn còn bị vùi lấp dưới các đống đổ nát và Antakya lúc này cũng vẫn còn mối nguy hiểm của rung chấn, động đất. Các anh làm việc không có giờ nghỉ, có chăng là tranh thủ ăn vội buổi trưa gói lương khô, uống chút nước trong lúc chờ lực lượng cứu hộ địa phương thông báo điểm tìm kiếm mới.
Trời nhá nhem tối, đoàn mới trở về khu lán trại giữa khoảng đất trống rộng mênh mông để nghỉ ngơi. Lệnh sẵn sàng lên đường vẫn luôn thường trực 24/24 vì thế các anh phải rất khẩn trương trong mọi việc. Chưa kịp ăn tối, đoàn lại ngồi họp rút kinh nghiệm giữa các chỉ huy để đánh giá và tiếp tục triển khai sao cho công việc ngày càng hiệu quả hơn, an toàn hơn. Đó cũng là những kinh nghiệm tác chiến thực tiễn vô cùng quý giá.
Sau bữa cơm tối ăn vội vã trong lúc ngồi chờ lệnh của chỉ huy hoặc thông báo từ phía Trung tâm Điều phối cứu hộ cứu nạn số 5 tại Hatay, các chỉ huy và anh em chiến sỹ lại cùng quây quần bên bếp lửa để nói về những câu chuyện cuộc sống, chia sẻ kinh nghiệm và có người tranh thủ gọi điện báo tin cho gia đình ở Việt Nam.
Toàn đoàn 76 quân nhân được hợp thành từ nhiều đơn vị khác nhau nhưng tới Antakya lúc này họ như một gia đình. “Bố”, đó là từ thân thương mà anh em chiến sỹ gọi cho Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Trưởng Đoàn quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này.
Nhìn ánh mắt, cử chỉ và tác phong mới thấy ông có nhiều suy nghĩ và lo lắng biết dường nào. Lúc cau mày, lúc quát lớn, lúc lại trầm tư suy nghĩ. Hết mình vì người dân Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng phải đảm bảo sức khỏe, an toàn cho những “đứa con” của ông.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Trưởng đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dù có bề dày kinh nghiệm trong cứu hộ, cứu nạn nhưng có nhiều lúc ông căng như dây đàn khi phát lệnh tìm kiếm người trong các đống đổ nát hay trong các khu nhà nghiêng đổ. Đích thân ông luôn vào sát vị trí tìm kiếm để đánh giá thực địa trước khi phát lệnh cho chiến sỹ.
Ông nghiêm khắc đến phát sợ nhưng đó là “chiến trường” giữa thời bình bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, một cơn rung chấn là ông và toàn đoàn đối mặt với hiểm nguy. Cũng chính vì thế, ngày nào, tối nào bên bếp lửa, ông lại phổ biến kinh nghiệm cho anh em về cứu hộ, cứu nạn sao cho hiệu quả và an toàn nhất.
Bao nhiêu “tài sản” là kinh nghiệm quý giá mà ông tích cóp trước đây cũng như tại thực địa được chia sẻ cho chiến sỹ, hay kể cả những câu chuyện đời thường về gia đình, vợ con cũng được ông chia sẻ giúp anh em chiến sỹ thêm vững vàng quyết tâm, trưởng thành về nghiệp vụ, kỹ thuật và hơn hết là an toàn khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế để sớm trở về bên gia đình.
Những khu nhà đổ nát sau động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiệm vụ khó khăn, hiểm nguy nhưng những lúc nghỉ chờ bên bếp lửa, ông vẫn hát “chưa có bao giờ đẹp như đêm qua, màn trời chiếu chiếu đất dưới bê tông”. Tiếng hát vui tươi của Tướng quân là sự động viên, khích lệ chiến sỹ.
Những đốm lửa vẫn cháy suốt đêm tối lạnh giá ở Hatay như sưởi ấm thêm quyết tâm và ý chí của các chiến sỹ, khẳng định tình đoàn kết giữa hai nước, nhân dân hai dân tộc Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.