Phát biểu tại hội thảo, bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho biết, nghiên cứu của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu chỉ ra rằng, mức tăng nồng độ khí mê-tan (CH4) trong khí quyển là tác nhân thứ hai sau khí CO2 gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khí mê-tan chiếm khoảng 17% tổng lượng phát thải khí nhà kính, đóng góp mức tăng 0,3 độ C trong 1,1 độ C mức tăng nhiệt độ toàn cầu thời gian qua.
Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo.
Đến nay, 159 quốc gia – trong đó có Việt Nam - đã tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, với mục tiêu giảm 30% phát thải khí mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020.
Tại Việt Nam, khí mê-tan phát thải từ các hoạt động canh tác lúa, chăn nuôi, đốt các sản phẩm sinh khối (rơm, rạ), bãi chôn lấp rác thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, đốt chất thải, xử lý và xả thải nước thải, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát tán từ nhiên liệu (than, dầu và khí). Theo số liệu kiểm kê, tổng lượng phát thải khí mê-tan năm 2020 tại Việt Nam là 113,2 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ).
“Ngày 5/8/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Kế hoạch thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, đồng thời, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe người dân.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trong việc chuyển dịch nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, các bon thấp” – Phó Cục trưởng Mai Kim Liên nhấn mạnh.
Các báo cáo viên chia sẻ về nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các báo cáo viên chia sẻ về nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam; các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0”; phát triển thị trường các-bon trên thế giới và các quy định pháp luật về phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; việc triển khai các cam kết của Việt Nam về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để giải quyết các khó khăn, thách thức trong quản lý phát thải khí mê-tan, giải pháp hiện nay tập trung vào ứng dụng công nghệ phát hiện tiên tiến như sử dụng hình ảnh vệ tinh, máy bay không người lái và thiết bị phát hiện rò rỉ di động để xác định rò rỉ khí mê-tan hiệu quả hơn.
Về chính sách, cơ quan quản lý các ngành, lĩnh vực đang triển khai cơ chế định giá các-bon và các tiêu chuẩn quản lý cụ thể khí thải mê-tan. Việc đầu tư vào nghiên cứu để phát triển các công nghệ và phương pháp mới cũng đang được triển khai, nhằm giảm khí mê-tan trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại hội thảo, các bạn thanh niên, sinh viên đặt nhiều câu hỏi tới báo cáo viên để làm rõ thêm về chính sách hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, vai trò của khoa học công nghệ trong ứng phó biến đổi khí hậu, các giải pháp tài chính xanh thúc đẩy hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, xu thế bắt buộc sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững, giảm phát thải, nhằm đáp ứng các quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ trong thời gian tới.
Trong xu thế phát triển song hành giảm phát thải khí nhà kính, thanh niên Việt Nam là lực lượng nòng cốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị. Với tính sáng tạo và năng động, thanh niên Việt Nam tiên phong tìm hiểu và tham gia vào các giải pháp hiện có cũng như xây dựng những giải pháp mới trong các lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, với nhiều dự án dựa vào tự nhiên.
Theo dự thảo Báo cáo Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu, ở cấp độ quốc gia, hiện nay có 68,8% thanh niên Việt Nam đã biết đến Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, 12,5% thanh niên chưa nắm rõ về chiến lược và 18,7% thanh niên hoàn toàn chưa biết gì về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Như vậy nhìn chung thanh niên Việt Nam đã có những hiểu biết nhất định về chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu.
Nhằm góp phần trong việc thực hiện những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Cop26, thể hiện vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam cho những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp cụ thể để giảm phát thải khí mê – tan theo cam kết, rong thời gian tới, lực lượng thanh niên cần đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi cho đoàn viên, thanh niên về vệ sinh cộng đồng, hiệu quả, phân loại rác tại nguồn, tích cực tham gia trồng cây xanh, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước.
Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả các mô hình giảm phát thải mê- tan, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thanh niên cũng chính là các tuyên truyền viên, góp phần phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới cộng đồng.