Hơn 200 tàu bay đang chịu cảnh “đắp chiếu” trên các cảng hàng không hiện nay. Đây là con số theo thống kê mới nhất của các hãng hàng không. Như vậy, với 98% tàu bay bị ngừng hoạt động, số tiền thiệt hại theo các hãng hàng không có thể lên tới 65.000 tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại ở mức 30.000 tỷ như dự tính trước đó của Cục Hàng không Việt Nam.
Hơn 200 tàu bay đang chịu cảnh “đắp chiếu” trên các cảng hàng không hiện nay.
Chia sẻ với VTC News sáng 1/4, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho rằng, tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, có khoảng hơn 90 tàu bay rơi vào tình cảnh ngừng hoạt động khai thác. Ban quản lý Cảng HKQT Nội Bài phải tận dụng mọi vị trí có thể để xếp tàu bay. Hiện nay, tất cả các khu vực không được dùng sử dụng để dừng đỗ máy bay trước đó như khu vực xưởng sửa chữa, đường lăn cũng được huy động thêm để làm slot đỗ cho máy bay.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về chủ trương hạn chế khai thác các đường bay, hiện nay, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc thì các sân bay còn lại đều phải "đóng cửa".
Ở mùa cao điểm trước đây, Nội Bài thực hiện khoảng 486 chuyến/tuần đến Tân Sơn Nhất thì nay chỉ còn 8 chuyến/ngày (bao gồm cả khứ hồi).
Vấn đề khiến các hãng bay "đau đầu" nhất hiện nay chính là việc dù máy bay phải nằm "đắp chiếu" nhưng các hãng bay vẫn phải chia trả hàng tỷ đồng chi phí mỗi ngày mới có thể duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, dịch vụ bến bãi.
Thông tin với VTC News, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, hiện nay các “kịch bản” ứng phó với Covid-19 được xây dựng trước đây gần như đều bị “phá sản”.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến ngành hàng không không thể đưa ra các dự báo về sản lượng khai thác trong năm 2020. Trước các thiệt hại mà các doanh nghiệp hàng không tư nhân đang phải đối diện, đại diện Cục Hàng không thậm chí còn đưa ra mức cảnh báo cao nhất về khả năng phá sản.
Phân tích về những khó khăn chồng chất liên tục đối với ngành, đại diện Cục Hàng không cho rằng, việc chỉ duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày đã khiến các hãng bay gần như kiệt quệ.
"Trước đó là việc dừng khai thác mạng bay quốc tế. Đến nay là chủ trương "hạn chế tối đa" các chặng bay nội địa. Chúng tôi lo ngại sẽ có hãng không trụ được", đại diện Cục Hàng không cho biết.
Được biết, các hãng hàng không đã có báo cáo gửi Cục Hàng không về tình hình hiện tại. Cục Hàng không đang tổng hợp để xem xét, báo cáo tới các cấp có thẩm quyền.
Dù ghi nhận những khó khăn mà các hãng hàng không đang gánh chịu, tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Ngành hàng không vẫn phải chấp nhận những thiệt hại do đại dịch này gây ra. Và việc tính toán không phải để xem thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu.
Theo tính toán của một hãng hàng không, hiện nay, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đang nộp các loại phí (trực và gián tiếp) khoảng 12,7 ngàn tỷ đồng (năm 2019), trung bình nộp 34,7 tỷ đồng phí/ngày (16 loại phí theo thông tư 53 và một số khoản phí dịch vụ của ACV). Trong đó Vietnam Airlines nộp trung bình 16,4 tỷ đồng/ngày; Vietjet Air nộp trung bình 15,6 tiền phí/ngày.
Vietnam Airlines tuy lượng khách chở ít hơn nhưng nộp phí nhỉnh hơn Vietjet Air do nhiều tàu bay thân rộng trọng tải lớn và bay nhiều chuyến quốc tế hơn.
Nếu giảm còn 0 đồng trong 3 tháng đối với 11/16 loại phí do nhà nước quy định khung giá (Quy định tại thông tư 53/2019) như đề nghị của Bộ GTVT thì theo ước tính, các hãng hàng không chỉ tiết giảm được tổng cộng chưa đến 100 tỷ đồng. Cụ thể, mỗi hãng tiết giảm được vài chục tỷ đồng trong năm nay.
Đối với riêng phí cất hạ cánh và điều hành bay (thuộc 2/5 loại phí do Nhà nước Quy định mức giá như thông tư 53/2019): Các hãng hàng không Việt đang phải nộp 2 loại phí này trên 3.000 tỷ đồng/năm, tương đương 8,2 tỷ đồng/ngày.
Nếu giảm 50% trong 3 tháng đối với các tuyến bay nội địa theo phương án đề xuất của Bộ GTVT thì các hãng chỉ tiết giảm được khoảng 200 tỷ đồng trong năm nay (vì phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với bay quốc tế cao hơn nội địa). Như vậy, chia bình quân, mỗi hãng hàng không chỉ tiết giảm được vài chục tỷ đồng trong năm nay.
Trong khi đó, các khoản phí lớn khác không được giảm. Chính vì vậy, các hãng hàng không mong muốn được giảm 50 - 70% đối với 2 loại phí: phí cất hạ cánh; phí điều hành bay trong cả năm 2020 (tiết giảm được trên 1.500 tỷ đồng), được miễn phí bãi đỗ trong năm 2020. Đồng thời, để kích cầu nội địa khi hết dịch, một hãng hàng không tư nhân đề nghị miễn phí phục vụ hành khách đối với các chuyến bay nội địa và giảm 50% đối với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng. Hiện loại phí này đang trên 10.000 tỷ đồng/năm, các hãng hàng không thu hộ qua vé cho ACV.
Các hãng bay cũng mong muốn được giảm từ 0 đến 50% trong 12 tháng đối với các loại phí dịch vụ mặt đất thuộc thẩm quyền của ACV và đơn vị thành viên ACV.
Ngoài ra, để giảm khó khăn, các hãng mong muốn được gia hạn nộp thuế, phí từ 6 tháng đến 1 năm.
Video: Giảm loạt giá phí dịch vụ hàng không cho các hãng bay