Ngày 1/10, Hàn Quốc đã trình làng tên lửa phá boongke Hyunmoo-5 trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 76 năm ngày thành lập quân đội nước này.
Cuộc duyệt binh còn có sự tham gia của hơn 5.000 quân nhân và 340 thiết bị quân sự, bao gồm tên lửa, xe tăng, máy bay không người lái và hệ thống phòng không tiên tiến. Máy bay phản lực KF-21 do Hàn Quốc tự sản xuất và máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ cũng xuất hiện tại sự kiện.
Tên lửa Hyunmoo-5 trong cuộc duyệt binh ở Hàn Quốc, ngày 1/10. (Ảnh: Reuters)
Hàn Quốc tự hào tuyên bố Hyunmoo-5 là tên lửa đầu đạn thường lớn nhất giới. Với việc có thể gắn đầu đạn nặng đến 8 tấn, tên lửa "quái vật" này có khả năng phá hủy tương đương với một vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Hyunmoo-5 được cho là vượt trội so với những quả bom nặng 907 kg mà Mỹ sử dụng và tương tự loại bom Israel dùng trong cuộc không kích tháng trước nhằm hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tại Beirut, Lebanon.
Thiết kế của tên lửa phóng từ mặt đất này cho phép xuyên sâu vào các boongke ngầm, không chỉ nhờ năng lượng vụ nổ mà còn cả năng lượng động học đạt được bằng cách lao xuống với tốc độ nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh.
Tùy thuộc vào kích thước đầu đạn mang theo, tên lửa Hyunmoo-5 có khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 600 km.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol di chuyển qua tên lửa Hyunmoo-5 trong cuộc duyệt binh ngày 1/10. (Ảnh: Yonhap)
Hàn Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt Hyunmoo-5 trong năm nay để ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng ngày càng củng cố các trung tâm chỉ huy quân sự và cơ sở tên lửa dưới lòng đất, thúc đẩy Seoul nâng cao năng lực quân sự của mình.
Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế lâu dài về kích cỡ đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc vào năm 2017, mở đường cho việc phát triển các loại vũ khí phá boongke tiên tiến, bao gồm Hyunmoo-4, được cho là có thể đạt độ cao lên tới 1.000 km và xuyên thủng 24 m bê tông cốt thép trong phạm vi 800 km.
Yang Uk, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nhận định: "Hyunmoo-4 và Hyunmoo-5 là một trong những loại vũ khí thông thường mạnh nhất thế giới, có khả năng phá hủy các trung tâm chỉ huy của đối phương, bao gồm cả những cơ sở dưới lòng đất. Chúng mạnh hơn nhiều so với các loại bom phá boongke được Israel sử dụng để chống lại Hezbollah”.
Dù vậy, kế hoạch triển khai 20 - 30 tên lửa Hyunmoo-5 dường như là không đủ trong trường hợp xảy ra xung đột với Triều Tiên.
Chuyên gia Lee Il-woo tại Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Triều Tiên có mạng lưới cơ sở ngầm rộng lớn, được xây dựng sâu 100 m hoặc sâu hơn bằng bê tông cốt thép. Để thực sự công phá những cơ sở này cần phải có vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
Tháng trước, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa phá boongke Hwasongpo-11-Da-4.5 trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tên lửa này có thể trang bị đầu đạn nặng 4,5 tấn, được đánh giá có sức mạnh tương đương Hyunmoo-4.
Kể từ lần đầu tiên sản xuất súng trường quân đội K-2 vào năm 1984, Hàn Quốc đã phát triển thành một thế lực quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu, với khả năng sản xuất máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tên lửa tiên tiến có sức cạnh tranh.
Theo Chosun Daily, xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc dự kiến sẽ vượt 20 tỷ USD trong năm nay, tăng so với mức 14 tỷ USD vào năm 2023.