Theo Cơ quan Hợp tác Quốc phòng Mỹ (DSCA), Hàn Quốc mua tới 36 trực thăng tấn công AH-64E Apache, 76 động cơ GE T700, hai động cơ lắp đặt trên mỗi trực thăng, 4 động cơ dự phòng và mỗi trực thăng sẽ có hệ thống ngắm mục tiêu, chỉ định hiện đại hóa AN/ASQ-170 riêng.
Hàn Quốc cũng muốn mua hàng trăm tên lửa, bao gồm 456 tên lửa Hellfire, 6 tên lửa huấn luyện không đối không và 152 tên lửa không đối đất chung. Nhà cung cấp chính trong thương vụ bán máy bay cho Hàn Quốc là Boeing và Lockheed Martin.
Trực thăng AH-64E Apache sẽ sớm được Mỹ bàn giao cho Hàn Quốc. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Trước đó, Hàn Quốc cũng mua 36 trực thăng AH-64E Apache vào năm 2013, đơn hàng này hoàn tất vào đầu năm 2017.
Tuy nhiên, việc bán hàng vẫn cần sự chấp thuận cuối cùng từ Quốc hội Mỹ. Nếu lô hàng này thành công sẽ tạo ra sự bội thu cho doanh số bán vũ khí quân sự nước ngoài của Mỹ.
Kể từ khi Nga thực hiện cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine, tổng doanh số liên quan đến vũ khí mỗi năm của Mỹ đều tăng đáng kể. Quan chức Mỹ mô tả đây là động lực để những quốc gia khác tăng chi tiêu quốc phòng.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-15 gần 19 tỷ USD cho Israel. Việc bán trực thăng chở Hàn Quốc lần này sẽ đưa tổng số tiền từ Chương trình bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS) của Mỹ lên trên 100 tỷ USD trong năm 2024.
Để theo kịp nhu cầu, nhiều cơ quan khác nhau của chính phủ Mỹ tăng cường giám sát các đợt bán hàng, cố gắng cải cách quy trình. Quan chức tại Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc xem nỗ lực của Mỹ là dự án dài hạn và cố gắng thực hiện khuyến nghị được công bố vào năm ngoái.
Bên cạnh việc bán trực thăng, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chấp thuận cho Hà Lan mua 305 triệu USD thiết bị cho trực thăng CH-47 Chinook, AH-64 Apache.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc cũng lên kế hoạch thực hiện loạt cuộc tập trận quân sự được gọi là Ulchi Freedom Shield nhằm giúp cả hai nước chuẩn bị cho cuộc nguy cơ đe dọa từ Triều Tiên.