Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hạn chế chất thải công nghiệp: Siết chặt thủ tục đầu tư, thẩm định công nghệ

(VTC News) -

Để hạn chế mức nguy hại của chất thải rắn công nghiệp, chuyên gia cho rằng cần tăng cường công tác quản lý các thủ tục đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất.

Đó là chia sẻ của GS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.

“Cỗ máy” tái chế chất thải gây ô nhiễm

Theo GS.TS Trịnh Văn Tuyên, chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) phát sinh từ tất cả các hoạt động kể từ khi bắt đầu thi công, xây dựng đến khi vận hành của các nhà máy, xí nghiệp, các cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp. Các ngành công nghiệp phát sinh khối lượng lớn CTRCN như: Nhiệt điện đốt than, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp luyện kim, công nghệ chế biến thực phẩm.

GS.TS Trịnh Văn Tuyên.

GS.TS Trịnh Văn Tuyên cho hay, CTRCN được xử lý bằng nhiều công nghệ khác nhau tùy theo mục đích, khối lượng và thành phần chất thải. CTRCN có đặc điểm là có khối lượng lớn, thành phần tính chất tương đối ổn định. Một đặc điểm nữa là thường được thu gom và quản lý, phân loại thành CTRCN thông thường và CTRCN nguy hại.

Hầu hết các giải pháp công nghệ đều được sử dụng: Chôn lấp, đóng rắn, thiêu đốt, ủ sinh học và gần đây, được tái chế nhiều hơn.

“Việc tái chế chất thải rắn công nghiệp rõ ràng làm giảm lượng chất thải, giảm chôn lấp, thu được tài nguyên từ chất thải, giảm chi phí xử lý chất thải, tăng hiệu quản kinh tế và tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động…

Tuy nhiên, do công tác quản lý và các yếu tố về kỹ thuật còn hạn chế nên “những cỗ máy” tái chế chất thải này lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, một số trường hợp rất nghiêm trọng”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Quản lý chặt thủ tục đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất

GS.TS Trịnh Văn Tuyên đánh giá, công tác quản lý môi trường đã ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt người dân đã và đang thay đổi cách ứng xử với những sản phẩm từ việc tái chế chất thải. Chính vi vậy, một số doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đầu tư quy trình xử lý và tái chế chất thải. Ở tầm quốc gia, Bộ Công Thương được giao quản lý, thực hiện đề án xây dựng ngành công nghiệp môi trường.

Theo GS.TS Trịnh Văn Tuyên, cần tăng cường công tác quản lý các thủ tục đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất để hạn chế mức nguy hại của CTRCN.

"Chắc chắn là phải đầu tư kinh phí để thực hiện, xây dựng quy trình công nghệ. Nhưng bù lại doanh nghiệp thu được hiệu quả kinh tế, giảm việc trả tiền cho việc xử lý chất thải rắn công nghiệp.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã được thành lập chuyên hoạt động, kinh doanh về việc xử lý, tái chế chất thải và thu được lợi nhuận cao", ông Tuyên nói.

Bên cạnh mặt tích cực, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường chỉ ra thực tế, chính công nghệ lạc hậu mà các nhà đầu tư mang sang Việt Nam đã tạo ra nguy cơ rất lớn đối với môi trường. Thậm trí, thiết bị hoạt động đã cũ, được tháo dỡ từ quy trình sản xuất cũ, mang sang Việt Nam nhưng vẫn được nâng giá cao hơn thực tế. Ngoài ra, chi phí đầu tư, chi phí khấu hao, bảo dưỡng thiết bị cũng được nâng lên.

"Chính vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hơn từ các thủ tục đầu tư, thẩm định công nghệ phải được làm tốt. Các chuyên gia, thành viên hội đồng thẩm định phải giỏi, tinh thần làm việc phải công tâm, khách quan…

Có như vậy, các doanh nghiệp mới nghiêm chỉnh chấp hành các thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời có trách nhiệm với môi trường, tuân thủ các tiêu chuẩn xả thải theo quy định của các cơ quan quản lý môi trường Trung ương và địa phương”, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường chia sẻ thêm.

Chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) được hiểu là tất cả các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp tồn tại ở dạng rắn, bao gồm CTRCN thông thường và CTRCN nguy hại được phân loại theo thành phần hóa học, tính chất độc hại, công nghệ xử lý và khả năng tái chế. Tại Việt Nam, việc xử lý CTRCN vẫn còn nhiều bất cập, tạo ra các điểm nóng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc tại một số địa phương.

THANH BA - NGỌC VY

Tin mới