Là hạm đội mạnh nhất của hải quân Nga và là lực lượng chủ chốt bảo vệ lợi ích Moskva ở Địa Trung Hải, Hạm đội biển Đen đóng tại nhiều bến cảng khác nhau ở biển Đen và duyên hải biển Azov kể từ năm 1783. Căn cứ chính của hạm đội từ thế kỷ thứ 18 đến nay là thành phố cảng Sevastopol (bán đảo Crimea) nay đã được sáp nhập vào Nga.
Cải tổ ngay sau khi sáp nhập Crimea
Tháng 4/2014, chỉ một tháng sau khi bán đảo Crimea tiến hành trưng cầu ý dân sáp nhập vào Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này xây dựng một chương trình phát triển Hạm đội biển Đen 10 năm tới nhằm cơ cấu lại lực lượng hải quân Nga trong khu vực. Hành động này ít nhiều đã giúp Moskva chủ động hơn trong một cuộc đối đầu với NATO ở vùng biển này.
Trong khi vào năm 2000, Hạm đội biển Đen được xem là “đứa con” bị bỏ rơi của hải quân Nga, với năng lực tác chiến kém nhất trong số 5 hạm đội. Chỉ có khoảng 50% tàu chiến của hạm đội trong trạng thái sẵn sàng hoạt động. Phải mất hơn 10 năm sau Hạm đội biển Đen mới có cơ hội chuyển mình cùng với sự kiện ở Crimea.
Hải quân Nga lập tức có chương trình cải tổ, hiện đại hóa Hạm đội biển Đen ngay sau bán đảo Crimea được sáp nhập vào năm 2014. (Ảnh: Reuters)
Bằng việc thay thế một loạt chiến hạm cũ đã hết hạn sử dụng, nâng cấp những chiến hạm hiện đóng vai trò xương sống trong hạm đội, hải quân Nga cũng không ngừng bổ sung chất lượng huấn luyện chiến đấu của những binh sĩ tại đây. Hạm đội này cũng đang duy trì hoạt động của các phi đội tiêm kích hải quân, ngoài ra còn có hàng loạt máy bay trinh sát và săn ngầm với sức mạnh vượt trội.
Tính đến nay, Hạm đội biển Đen có trong biên chế 89 tàu các loại, trong đó có khoảng hơn 50 chiến hạm, 6 tàu ngầm tấn công, khoảng 50 máy bay chiến đấu các loại cùng 25.000 binh sĩ.
Năng lực tác chiến của Hạm đội biển Đen
Tính từ năm 2014 đến nay, Hạm đội biển Đen đã và đang đưa vào trang bị hơn 25 tàu chiến mới, trong đó có nhiều tàu mặt nước hiện đại. Hải quân Nga đặt ra mục tiêu nâng cao khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình cho hạm đội thông qua việc đưa vào trang bị các tàu khinh hạm thuộc đề án 11356, tàu hộ vệ mang tên lửa thuộc đề án 21631 và tàu ngầm diesel-điện Kilo.
Đề án 21631 thuộc lớp Đô đốc Grigorovich với các bệ phóng tên lửa thẳng đứng (VLAS) UKSK có khả năng triển khai cả tên lửa hành trình 3M-54 “Kalibr” cũng như tên lửa chống hạm siêu thanh P-800, ngoài ra nó còn sở hữu khả năng phòng không với tên lửa 3K90M "Shtil-1".
Cũng phải nhấn mạnh rằng với tên lửa hành trình Kalibr, các tàu chiến thuộc Hạm đội biển Đen có thể phát động một cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên đất liền từ khoảng cách từ 1.000 đến 2.000 km.
Ngay sau khi Nga mở màn hiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các tàu chiến thuộc Hạm đội biển Đen cũng đã tham chiến khi sử dụng tên lửa hành trình Kalibr tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ Ukraine.
Khinh hạm Đô đốc Grigorovich, một trong những tàu chiến mạnh nhất của Hạm đội biển Đen sau sự ra đi của tuần dương hạm Moskva. (Ảnh: World Naval News)
Tuy nhiên, đóng vai trò soái hạm trong Hạm đội Biển Đen lại là tuần dương hạm Moskva với sức mạnh đáng nể dù nó đã phục vụ được gần 40 năm. Tuần dương hạm Moskva có thể được xem như một tổ hợp phòng không khổng lồ trên biển, với tổ hợp phòng không tầm xa trên hạm S-300F cùng với tổ hợp phòng không tầm gần OSA-MA. Con tàu còn được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” khi sở hữu tới 16 tên lửa chống hạm tầm xa Vulkan P-1000.
Trong cuộc xung đột Ukraine, tuần dương hạm Moskva đóng vai trò phong tỏa vùng biển dẫn vào các thành phố cảng chiến lược ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên số phận của con tàu này lại kết thúc theo cách không ai có thể ngờ đến.
Theo thông báo chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/4, tuần dương hạm tên lửa Moskva đã chìm ở biển Đen trong quá trình kéo về cảng Sevastopol. Sự việc xảy ra sau sự cố hỏa hoạn dẫn đến nổ kho đạn trên tàu vào hôm 13/4.
Tàu Moskva được cho đã hoạt động ngoài khơi Odessa (Ukraine) khi xảy ra sự cố. Phía Nga không có bất cứ xác nhận nào về việc tàu chiến của họ bị tấn công. Thay vào đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu Moskva bị hư hỏng sau khi đạn dược trên tàu phát nổ. Toàn bộ thủy thủ đã được sơ tán.
Trước đó, phía Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã tấn công con tàu bằng tên lửa chống hạm Neptune. Tuy nhiên, quân đội Ukraine không đưa ra được bằng chứng cho tuyên bố này.
Ngoài các tàu chiến cỡ lỡn, các lớp tàu chiến cỡ nhỏ của Hạm đội biển Đen cũng có khả năng tấn công tầm xa đáng kể, điển hình như các tàu hộ vệ đề án 12411 (Tarantul), đề án 21630 (Buyan-M) và đề án 22160. Trong đó, Buyan-M có thể mang theo 8 tên lửa hành trình Kalibr, còn đề án 22160 là 4 tên lửa Kalibr được triển khai từ bệ phóng ngụy trang container.
Từ thực tế này có thể thấy Nga đã xây dựng một hạm đội tác chiến hiệu quả ở biển Đen dù không cần tới quá nhiều tàu chiến mặt nước chủ lực, bởi tàu chiến cỡ nhỏ được vũ trang mạnh mẽ vẫn giúp hải quân Nga tung ra đòn tấn công chính xác nhằm vào kẻ thù trong khu vực.
Video: Tàu hộ vệ lớp Buyan-M của Hạm đội biển Đen phóng tên lửa Kalibr
Ngoài các tàu mặt nước, từ năm 2014 đến 2016, Hạm đội biển Đen đã biên chế thêm 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo cải tiến, có khả năng phóng tên lửa Kalibr. Mặc dù không được trang bị công nghệ AIP (động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập) nhưng những con tàu này vẫn có thể hoạt động với độ ồn thấp và rất khó bị phát hiện
Cuối cùng, Hạm đội biển Đen cũng được trang bị các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P, trang bị tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Oniks-M có tầm bắn ước tính lên đến 800 km. Với tên lửa Oniks-M, các hệ thống Bastion-P không chỉ phòng thủ bờ biển mà còn có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất.
Thực tế cũng đã chứng minh Bastion-P của Hạm đội biển Đen thực hiện các cuộc tập kích vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Ukraine thời gian gần đây.
Sự phát triển của Hạm đội biển Đen trong 8 năm qua về mặt lý thuyết có thể tạo ra thách thức đáng kể đối với hải quân các nước NATO nếu liên minh quân sự muốn can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine từ hướng biển Đen, thậm chí kể cả ở biển Địa Trung Hải.
Về vai trò của Hạm đội biển Đen trong cuộc xung đột Ukraine, lực lượng này lại chỉ mới dừng lại ở việc phát động các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh vào các mục tiêu cố định, phong tỏa vùng biển dẫn vào các thành phố cảng chiến lược ở miền đông Ukraine. Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy hải quân Nga sẽ mở một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn lên Odessa và Mykolaiv – hai vùng tiếp giáp với biển Đen.
Mất soái hạm Hạm đội biển Đen sẽ ra sao?
Việc mất tuần dương hạm Moskva khi chiến dịch ở Ukraine đang chuyển sang giai đoạn được coi là tổn thất nghiêm trọng với lực lượng Nga, bởi Moskva là tàu chiến mặt nước có uy lực nhất trong khu vực, đóng vai trò soái hạm của Hạm đội Biển Đen và tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine ngay từ ngày đầu (24/2).
Trong những ngày đầu chiến dịch quân sự, tuần dương hạm Moskva là một trong các tàu hải quân Nga áp sát đảo Rắn, một trong các thực thể quan trọng trong lãnh hải của Ukraine và cũng là cơ sở giúp quân đội nước này theo dõi hoạt động hàng hải trên biển Đen.
Tuần dương hạm Moskva - soái hạm Hạm đội biển Đen. (Ảnh: Sputnik)
Lực lượng hải quân Ukraine đã bị xóa sổ ngay từ những ngày đầu xung đột khiến dàn tên lửa Vulkan của tuần dương hạm Moskva không có điều kiện thể hiện sức mạnh trong chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, tổ hợp phòng không S-300F Fort, phiên bản hải quân của tên lửa S-300, với 64 quả đạn cho phép Moskva thiết lập ô phòng không trên biển Đen, hạn chế hoạt động của không quân Ukraine và bảo vệ lực lượng mặt đất tham chiến tại miền nam nước này.
"Tổ hợp phòng không S-300F cho phép Moskva bao phủ phần lớn khu vực phía bắc biển Đen trong các chuyến tuần tra. Đây dường như là một phần trong lưới phòng thủ đa tầng với sự tham gia của tổ hợp S-400 tại quân cảng Sevastopol và những hệ thống tương tự triển khai khắp bán đảo Crimea", chuyên gia hải quân H. I. Sutton phân tích.
Trong giai đoạn đầu xung đột, tàu tuần dương Moskva chủ yếu hoạt động gần đảo Rắn, cách xa những khu vực giao tranh chính và thành phố cảng chiến lược Odessa ở miền nam Ukraine.
Odessa là cảng chủ chốt của Ukraine tại Biển Đen và được đánh giá là một trong các mục tiêu hàng đầu của Nga, bởi kiểm soát được khu vực này đồng nghĩa với Ukraine sẽ gần như không còn đường ra biển.
Dữ liệu nguồn mở được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hải quân Nga bắt đầu hoạt động răn đe gần Odessa từ ngày 2/3, trong đó có lập hàng rào phong tỏa cảng biển của Ukraine. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy Moskva tham gia hoạt động này, bởi soái hạm của Hạm đội Biển Đen vẫn duy trì vị trí xa bờ.
"Moskva là tàu chiến đời cũ, nó không được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr. Đó là lý do nó không trực tiếp tham gia những đợt tập kích nhằm vào mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Ukraine như các tàu chiến khác của hạm đội", H. I. Sutton nhận xét.
Hải quân Nga sau đó bắt đầu những cuộc phô diễn năng lực tấn công từ hướng biển bằng cách triển khai 6 tàu đổ bộ cỡ lớn ngoài khơi Odessa, nhưng sau đó bất ngờ điều động chúng tới vị trí khác. Hoạt động này được coi là biện pháp nghi binh, nhằm kìm chân lực lượng Ukraine ở Odessa.
Mất soái hạm Moskva là một tổn thất lớn nhưng nó khó có thể làm thay đổi mục tiêu của người Nga trong cuộc chiến Ukraine.
Tuần dương hạm Moskva xuất hiện ngoài khơi Odessa trong ít nhất hai đợt vào ngày 15/3 và 30/3. Nó được nhiều chiến hạm Nga yểm trợ hoặc lập ô phòng không ở vị trí xa bờ, cũng như có thể đảm nhận nhiệm vụ trung tâm chỉ huy chiến dịch. Do đó về mặt quân sự, tổn thất của hải quân Nga sau khi mất đi tàu Moskva không phải là quá lớn.
"Con tàu này thực sự đã rất cũ. Hiện có những kế hoạch về việc dừng sử dụng nó trong 5 năm nữa", nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin nhận định với Reuters.
Cũng theo chuyên gia Khramchikhin, Moskva có giá trị về mặt biểu tượng nhiều hơn là giá trị chiến đấu và nhìn chung nó không hoạt động gì nhiều trong chiến dịch hiện nay.
Dù vậy khả năng phòng không của lực lượng Nga trong khu vực ít nhiều sẽ bị suy yếu khi mất đi Moskva nhưng không quá nghiêm trọng, Hạm đội biển Đen vẫn còn các tàu chiến khác có năng lực tương đương thay thế như lớp Đô đốc Grigorovich với tên lửa Shtil-1.
Mặt khác thiếu đi tuần dương hạm Moskva, Hạm đội biển Đen cũng mất đi một vũ khí răn đe hiệu quả nếu NATO có ý định can thiệp vào cuộc chiến Ukraine. Sức mạnh của Moskva đều nằm ở 16 tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan với tầm bắn 800 km mà nó được trang bị, mỗi quả tên lửa nặng khoảng 5 tấn, mang được đầu đạn bán xuyên giáp chứa 950 kg thuốc nổ cực mạnh hoặc đầu đạn hạt nhân tương đương 350.000 tấn thuốc nổ TNT.