Đại diện nhà mạng Viettel cho biết, tuyến cáp ADC hiện đã hoàn thành triển khai cập bờ, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý III/2023.
ADC là tuyến cáp quang biển có chiều dài cáp ngầm 9.800km, dung lượng đạt trên 140Tbps, sử dụng công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất hiện nay, giúp kết nối các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD.
Khi vận hành khai thác, tuyến cáp ADC sẽ bổ sung 18Tbps vào tổng dung lượng kết nối quốc tế của Viettel, góp phần cung cấp một lượng lớn dung lượng tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế.
4/5 tuyến cáp quang biển hiện tại của Việt Nam đang gặp sự cố một phần hoặc toàn bộ.
Cùng với cáp quang ADC, hệ thống cáp quang biển SJC2 cũng sẽ được đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023, theo chia sẻ của nhà mạng VNPT.
Đây là hệ thống cáp quang biển dài khoảng 10.500 km với dung lượng thiết kế ban đầu là 144Tbps, được xây dựng và vận hành bởi VNPT và các đối tác quốc tế. SJC2 kết nối 9 quốc gia trong khu vực châu Á, có tất cả 11 điểm cập bờ, trạm cập bờ tại Việt Nam đặt tại Quy Nhơn.
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, khi cáp quang SJC2 và ADC đi vào hoạt động, Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ được bổ sung dung lượng rất lớn.
Việt Nam đang trải qua sự cố đứt cáp quang biển nghiêm trọng nhất lịch sử khi 4/5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố một phần hoặc toàn phần, gồm AAG, APG, AAE-1 và IA. Trong đó tuyến APG mất kết nối hoàn toàn hướng đi Singapore và Hồng Kông.
Theo ông Thắng, sự cố làm mất kết nối khoảng 75% lưu lượng quốc tế trên các tuyến cáp quang biển. Trước thực trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ, ứng cứu lưu lượng đi quốc tế cho nhau. Trong đó, Viettel đã chia sẻ 100Gbps dung lượng kết nối Internet quốc tế cho VNPT.
Ngoài ra, các nhà mạng cũng tăng dung lượng Internet đi quốc tế qua đất liền và thực hiện các biện pháp cân tải dung lượng.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, với nhiều các phương án xử lý, doanh nghiệp đã bù đắp được khoảng 50% dung lượng đi quốc tế.
“Như vậy chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông đã từng bước được cải thiện, giải quyết tình trạng mất kết nối, nhưng tốc độ có thể bị chậm vào giờ cao điểm”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ thêm, cùng với việc khắc phục sự cố, Việt Nam phải triển khai thêm các tuyến cáp quang biển với nhiều hướng kết nối khác nhau do các doanh nghiệp Việt Nam chung tay xây dựng.
Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu thêm 2-4 tuyến cáp quang biển mới, đến 2030 phấn đấu thêm 4-6 tuyến cáp quang.
Đại diện Viettel chia sẻ thêm, nhìn vào lịch sử có thể thấy, mỗi năm Việt Nam xảy ra khoảng 10 lần đứt cáp biển, thời gian đứt trung bình 1 tháng do việc sửa chữa cáp quang biển vô cùng phức tạp, phải xin cấp phép ra vào địa phận các quốc gia cáp đi qua.
Vì thế, thường chỉ có 3/5 tuyến cáp biển hoạt động đồng thời. Trước bối cảnh đó, Viettel đã lên kế hoạch triển khai thêm 4 tuyến cáp biển từ nay đến năm 2030.
Ba tuyến cáp quang đã có lịch sửa chữa
Theo kế hoạch dự kiến mới được thông báo tới các nhà mạng tại Việt Nam, sự cố trên nhánh S6 của tuyến APG sẽ được khắc phục vào khoảng thời gian từ ngày 23-27/3, lỗi trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản sẽ được sửa chữa trong tháng 4/2023.
Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa trong thời gian từ ngày 5-13/4. Các sự cố trên tuyến AAG dự kiến cũng sẽ được khắc phục trong thời gian từ ngày 26/2-15/4. Riêng cáp quang AAE-1 chưa có lịch sửa chữa cụ thể.