Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hải quan Mỹ phát hoảng thấy bánh phân bò trong hành lý du khách Ấn Độ

(VTC News) -

Hải quan Mỹ vừa tiêu hủy 2 chiếc bánh phân bò trong hành lý của một du khách Ấn Độ tại sân bay Dulles, ngoại ô Washington DC, Mỹ.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) mới đây đăng tải thông báo về việc phát hiện bánh phân bò trong hành lý của du khách: “Đó không phải là lỗi đánh máy. Các chuyên gia nông nghiệp thuộc CBP đã tìm thấy hai bánh phân bò trong chiếc vali bị một du khách trên chuyến bay của hãng Air India bỏ lại ở trạm kiểm tra của CBP vào ngày 4/4”.

Các quan chức Hải quan Mỹ đã phát hiện và tiêu hủy hai chiếc bánh phân bò trong hành lý của một du khách Ấn Độ. (Ảnh: CBP)

Thời gian gần đây, phân bò cũng xuất hiện trên một số tin tức khác liên quan đến Ấn Độ. Ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, có thông tin một số người dân theo đạo Hindu đến trang trại bò mỗi tuần một lần để bôi phân và nước tiểu của bò lên cơ thể. Họ xem đây là biện pháp phòng tránh COVID-19.

Các chuyên gia y tế trên khắp Ấn Độ đưa ra cảnh báo, yêu cầu người dân ngừng dùng phương pháp không có cơ sở khoa học này để ngăn ngừa dịch bệnh, bởi không có bằng chứng cho thấy phân bò có thể chống lại COVID-19. Loại chất thải này thậm chí còn có nguy cơ làm lây lan các mầm bệnh nguy hiểm khác.

Ở Mỹ, bánh phân bò bị cấm vì được coi là vật mang các bệnh truyền nhiễm, điển hình là bệnh lở mồm long móng.

“Lở mồm long móng là một trong những dịch bệnh mà chủ vật nuôi sợ nhất, nó có thể gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng và là mối đe dọa mà CBP có sứ mệnh ngăn chặn để bảo vệ sản xuất nông nghiệp (của Mỹ)”, Keith Fleming, quyền Giám đốc Văn phòng Hoạt động thực địa của CBP tại Baltimore, cho biết.

CBP lưu ý rằng chỉ cần phát hiện một ca lở mồm long long, hoạt động buôn bán vật nuôi quốc tế sẽ bị ngừng hoàn toàn cho đến khi các cơ quan chức năng loại bỏ mối đe dọa dịch bệnh.

Theo trang web của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong khi nhiều quốc gia trên toàn cầu còn đang đối phó với bệnh lở mồm long móng, Mỹ đã xóa bỏ căn bệnh này vào năm 1929.

Trần Trang

Tin mới