Thông tin về trường hợp 2 anh em cùng gia đình ở Sóc Sơn thiệt mạng do nhiễm vi khuẩn Whitmore, chiều 18/11, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, ngay khi sự việc diễn ra, trung tâm đã có mặt và thực hiện điều tra tình hình dịch bệnh tại địa bàn.
Kết quả, xem xét tại trường học và các hộ dân xung quanh gia đình có trẻ thiệt mạng đều không có bất thường cũng như không có người mắc bệnh tương tự.
“Chúng tôi đang phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương điều tra thêm về dịch tễ và nghiên cứu, theo dõi tình hình, chủ động trong khuyến cáo cho người dân”, ông Cảm nói.
Ảnh minh họa.
Ông Cảm cho biết thêm, cả 2 bệnh nhi là anh em ruột đều có biểu hiện bệnh giống nhau. Hơn nữa kết quả xét nghiệm đều dương tính với vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore. Điều này khiến người dân xung quanh lo ngại về khả năng lây lan của dịch bệnh.
Hiện chưa đủ bằng chứng xác nhận 2 bệnh nhi có lây bệnh cho nhau hay không. Tuy nhiên do cả hai là người một nhà, lại nhiễm bệnh trong thời gian ngắn nên đơn vị đang tiếp tục điều tra, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nói gì?
Liên quan đến thông tin trên, PGS. TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi đầu tiên thiệt mạng do bị sốc nhiễm khuẩn, kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore.
Bệnh nhi thứ 2 được chuyển tới viện với tình trạng nhẹ hơn, chủ yếu là sốt. Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhi được cho cấy máu và sử dụng kháng sinh ở mức độ nặng. 3 ngày đầu bệnh nhi có đáp ứng với kháng sinh và có xu hướng hạ sốt nhưng sau đó sốt trở lại và bị sốc, có tình trạng xuất huyết kèm theo. Cấy máu cho bệnh nhi được xác định có vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore. Bệnh nhi qua đời sau đó.
Theo ông Điển, với hộ gia đình có 2 trẻ thiệt mạng như vậy thì cần xem xét đặc tính những người trong nhà đó để tìm hiểu nguyên nhân.
“Chúng tôi lo ngại các cháu có tình trạng suy giảm miễn dịch hay không. Vấn đề nữa là thói quen sinh hoạt, cách thức các cháu bị xây xước, việc vệ sinh vết xây xước như thế nào. Thực tế vi khuẩn này có xung quanh chúng ta, lẫn ở môi trường bùn đất. Chỉ có điều cách phòng ngừa như thế nào cho phù hợp.
Để phòng bệnh người dân cần phải ăn uống, sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ. Những tổn thương da, mũi miệng phải sát trùng để giảm bớt vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Mỗi người dân phải có kiến thức cơ bản để tránh bớt nguy cơ mắc bệnh”, bác sĩ Điển khuyến cáo.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội), gia đình anh T.V.C. (32 tuổi) và chị T.T.N.Q. (26 tuổi) mất đi ba con trong 8 tháng. Trong đó, bé T.Q.T. (7 tuổi) chị gái qua đời tại Bệnh viện Xanh Pôn Tuy nhiên, do không được xét nghiệm nên chưa thể khẳng định bé T. có cùng nhiễm vi khuẩn gây ra bệnh Whimore hay không.
Bé trai T.C.V. (5 tuổi) có biểu hiện sốt cao 38,5 độ C, kèm đau bụng vào ngày 27/10 nhưng không được điều trị. Đến 5h sáng ngày 28/10, bé V. được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. 21h ngày 31/10 do tình trạng quá nặng, bé không thể qua khỏi với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10/2019. Đến 1/11 kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore).
Bé T.Q.H. mới 18 tháng tuổi, là con út của anh C. và chị Q. Ngày 10/11, bé H. cũng có biểu hiện sốt cao 38,5 độ C. Đến 9h sáng ngày 11/11, bé được gia đình đưa tới Trung tâm Y tế xã Bắc Sơn, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, rồi Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé thiệt mạng do nhiễm vi khuẩn Whitmore.