Theo tổng hợp của Sở Y tế, các ca mắc mới phân bố tại 214 xã, phường, thị trấn thuộc 26/30 quận, huyện, nhiều nhất ở quận Hai Bà Trưng (287), Long Biên (232), Hoàng Mai (185), Ba Đình (145), Thường Tín (77), Thanh Xuân (73), Đống Đa (69), Tây Hồ (63), Sóc Sơn (46), Gia Lâm (46), Bắc Từ Liêm (42).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 24.237 ca.
Về công tác điều trị, hiện thành phố có 12.897 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh và 10.828 F0 đang được điều trị (8.963 ca tại bệnh viện, cơ sở y tế, 1.865 người đang cách ly, điều trị tại nhà).
Một số đơn vị trên địa bàn thành phố gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 82 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 175 ca, 29 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 2.014 ca, trạm y tế lưu động có 3.462 ca.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với tình hình dịch bệnh số ca bệnh ở Hà Nội tăng nhanh như hiện nay, thành phố cần sớm có những biện pháp để kiểm soát tình hình sao cho số F0 không tăng thêm nữa, nếu không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra.
“Theo tôi số ca bệnh ở Hà Nội có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, thành phố cũng nên sớm có những biện pháp kiểm soát tình hình, sao cho lượng F0 không tăng thêm cao nữa nếu như không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra”, ông Phu nói.
Chuyên gia này cho rằng, thời gian vừa qua, Hà Nội và các tỉnh, thành phố thực hiện nới lỏng các hoạt động nên việc người dân đi lại, tập trung đông người, nguy cơ tiếp xúc giữa các ca bệnh và người lành là có thể xảy ra.
Tuy nhiên, nếu để số F0 tăng cao quá, hệ thống y tế sẽ bị quá tải. Lúc này, những người bệnh sẽ khó có thể tiếp cận được hệ thống y tế và được điều trị sớm. Đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 dễ bị chuyển nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến cho tỷ lệ tử vong ở Hà Nội tăng cao.