Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Hà Nội cần sớm kiểm soát tình hình, tránh hệ thống y tế quá tải

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần sớm kiểm soát tình hình để số ca F0 không tăng cao, từ đó tránh được nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với tình hình dịch bệnh số ca bệnh ở Hà Nội tăng nhanh như hiện nay, thành phố cần sớm có những biện pháp để kiểm soát tình hình sao cho số F0 không tăng thêm nữa, nếu không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra.

“Theo tôi số ca bệnh ở Hà Nội có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, thành phố cũng nên sớm có những biện pháp kiểm soát tình hình, sao cho lượng F0 không tăng thêm cao nữa nếu như không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra”, ông Phu nói.

Chuyên gia này cho rằng, thời gian vừa qua, Hà Nội và các tỉnh, thành phố thực hiện nới lỏng các hoạt động nên việc người dân đi lại, tập trung đông người, nguy cơ tiếp xúc giữa các ca bệnh và người lành là có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu để số F0 tăng cao quá, hệ thống y tế sẽ bị quá tải. Lúc này, những người bệnh sẽ khó có thể tiếp cận được hệ thống y tế và được điều trị sớm. Đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 dễ bị chuyển nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến cho tỷ lệ tử vong ở Hà Nội tăng cao.

Lực lượng y tế của Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: ZingNews)

Hà Nội cần làm gì?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, với tình hình dịch như hiện nay ở Hà Nội, để có sự kiểm soát tốt cần phải có sự vào cuộc có trách nhiệm của cả chính quyền và người dân chứ riêng ngành y tế thì không thể làm được. Trong đó, ý thức của người dân đóng vai trò rất quan trọng để sớm kiểm soát được tình hình.

Chuyên gia này cho rằng, mỗi người dân cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ y tế, tự có ý thức trong việc bảo vệ mình và cộng đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố dù đã tiêm phủ 2 mũi vaccine ở mức cao, nhưng mọi người tuyệt đối không được chủ quan, có tâm lý buông xuôi, thả lỏng, như vậy sẽ khiến cho các ca bệnh tăng rất nhiều.

“Theo tôi người dân cần tuân thủ tuyệt đối 5K trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ví dụ như trong môi trường nào, đến những đâu và tiếp xúc với những ai đều cần phải có ứng xử cho phù hợp. Đặc biệt, thời gian sắp tới với nhiều dịp lễ như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, mọi người càng cần phải nâng cao tự giác, tránh tụ tập, liên hoan hay giảm số người trong các buổi hội họp, qua đó tránh tiếp xúc người lạ với nhau. Có như vậy mới giảm bớt được sự lây lan của dịch bệnh”, ông Phu nói.

Đối với chính quyền, chuyên gia dịch tễ học cho rằng Hà Nội cần tăng cường hơn nữa trong kiểm tra, giám sát cũng như tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Song song với đó, ngành y tế cũng cần phải tiếp tục kiện toàn các cơ sở tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 sao cho từ đó tất cả người dân nếu không may nhiễm SARS-CoV-2 sẽ đều được tư vấn, tiếp cận với hệ thống y tế để được điều trị kịp thời.

“Hà Nội cũng cần chuẩn bị thêm giường để phòng những trường hợp ca bệnh diễn biến nặng sẽ được can thiệp điều trị ngay”, ông Phu nhấn mạnh.

Nhấn mạnh thêm về vai trò, tầm quan trọng của việc tiêm vaccine cho người dân, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, hiện nay, tiêm vaccine COVID-19 vẫn rất cần thiết. Do đó, Hà Nội nên có kế hoạch đẩy nhanh tiêm phủ mũi 2 cho người dân và chuẩn bị tiêm bổ sung mũi tăng cường cho toàn bộ người dân. Trong đó, cần đặc biệt chú ý, ưu tiên cho những người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền hay người bị suy giảm miễn dịch.

Song song với công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội nên tăng tốc độ hơn nữa trong việc tiêm phủ mũi 2 và tính toán tiêm sớm mũi bổ sung vaccine COVID-19 cho người dân.

Chuẩn bị sẵn kịch bản

Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện tỷ lệ tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 của người dân trên địa bàn đang ở mức rất cao, chiếm hơn 95%. Chính vì vậy, hầu hết số ca COVID-19 ở Hà Nội đang ở thể nhẹ và phần lớn không có triệu chứng, đáp ứng điều kiện có thể điều trị tại nhà hay y tế tuyến cơ sở.

Tuy nhiên, do diễn biến dịch COVID-19 tại Hà Nội vẫn ở mức cao, nên thành phố cũng đã chủ động có giải pháp để đáp ứng trong trường hợp có 100.000 ca bệnh.

Cụ thể, Hà Nội đã cho thành lập các cơ sở thu dung tuyến thành phố. Các cơ sở này đã hoạt động tốt và đáp ứng được khoảng 22.000 giường bệnh. Các cơ sở thu dung quận, huyện đáp ứng khoảng 70.000 giường bệnh, còn lại các bệnh viện thu dung các bệnh nhân trung bình, nặng và nguy kịch là 8.000 giường bệnh.

Đồng thời ngành y tế Hà Nội cũng tổ chức phân tầng đảm bảo khoa học, tránh việc quá tải tuyến trên. Với tầng 1, người nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ, không triệu chứng có thể điều trị tại nhà, tại trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung tuyến thành phố. Tầng 2 là người bệnh được điều trị tại tuyến huyện, chuyên khoa tuyến thành phố. Tầng 3 là điều trị tại bệnh viện hạng 1 và các bệnh viện tuyến Trung ương.

“Để giảm tải cho hệ thống y tế, thành phố cũng quán triệu các bệnh viện y tế tuyến trên không tiếp nhận bệnh nhân không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ. Ngoài ra, Sở Y tế cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, qua đó cập nhật các phác đồ cũng như kinh nghiệm điều trị cho các cán bộ, nhân viên y tế”, bà Hà cho biết.

Trước đó, để chuẩn bị sẵn cho tình huống số F0 ở Hà Nội có thể gia tăng, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cũng đã giao Ban Cán sự đảng, UBND thành phố xây dựng sẵn kịch bàn ứng phó trong trường hợp số F0 tăng từ 2.000-3.000 ca/ngày.

Theo chỉ đạo của Thành uý, người đứng đầu cấp quận, huyện cần xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng và có trách nhiệm nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập các trạm y tế lưu động. Đồng thời, các quận, huyện cũng phải đẩy mạnh điều trị F0 nhẹ, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả phường, xã, thị trấn.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 15/12, thành phố Hà Nội có 1.357 ca mắc COVID-19, trong đó có 611 ca cộng đồng. Đây cũng là số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng cao nhất được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Như vậy, trong đợt dịch thứ tư (từ 29/4) đến nay, Hà Nội ghi nhận 21.467 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, số ca ngoài cộng đồng là 8.223 ca, số ca được cách ly là 13.244.

Phạm Quý

Tin mới