Tại phiên chất vấn sáng 12/5, HĐND TP Hà Nội trình chiếu phóng sự về việc phát triển nông nghiệp ở Hà Nội, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và câu hỏi về trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương.
Theo giám sát của HĐND TP Hà Nội, thành phố đang thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xây dựng từ năm 2012. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nên phần lớn các quy hoạch này đều đã bị biến đổi, điều chỉnh, chồng lấn, có quy hoạch chưa thực hiện được.
Cũng theo giám sát của HĐND TP Hà Nội, trong khi nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp loay hoay vì không được hướng dẫn xây dựng công trình hạ tầng để làm nông nghiệp công nghệ cao thực sự, lại đang xuất hiện tình trạng nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội phát biểu tại phiên chất vấn.
HĐND TP Hà Nội dẫn chứng về dự án trồng hoa cây cảnh tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ của Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay, triển khai năm 2017 trên diện tích 1 ha. Song đến nay, dự án này đã biến thành khu du lịch sinh thái, đặt tên là "Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay", trái với mục đích sử dụng đất được phê duyệt.
Dự án trồng hoa cây cảnh nay đã mọc thêm nhiều công trình, bao gồm khu nhà điều hành, nhà hàng, bể bơi, phòng nghỉ, phòng ăn như một khu du lịch… Chủ đầu tư cũng đã tự ý kè bờ sông kiên cố để bảo vệ các công trình xây dựng trái phép… “Những vi phạm này đã diễn ra vài năm nay, tại sao lại không được chính quyền địa phương xử lý kịp thời?”, HĐND TP đặt câu hỏi.
Tại hợp tác xã du lịch và nông nghiệp Hoa Sơn rộng 7 ha ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, để phát triển theo hướng du lịch, ngoài trồng rau hữu cơ, nuôi lợn rừng, dê núi, trang trại này đã sửa chữa, xây dựng nhiều nhà nghỉ để đón các đoàn khách đến nghỉ dưỡng… “Liệu chính quyền địa phương có làm ngơ cho những sai phạm này?”, giám sát của HĐND TP chất vấn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố, nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong phạm vi triển khai các dự án phi nông nghiệp, nhưng dự án chưa thực hiện, chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, người nông dân giữ đất chờ dự án, không quan tâm đến sản xuất hoặc tình trạng người dân không mặn mà với đồng ruộng mà để đất bỏ hoang, bỏ nghề nông đi làm thợ, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp gặp khó khăn về thủy lợi, nước tưới hoặc nằm trong vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng… Mặc dù, các địa phương đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn nhưng đến nay, toàn thành phố vẫn còn hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hơn 4.000ha đất canh tác không hiệu quả, chỉ làm một vụ hoặc canh tác mang tính tận dụng.
Có thể nhận thấy, ngành nông nghiệp Thủ đô luôn khẳng định được vai trò quan trọng, vừa tăng cường nguồn nông sản cho thị trường, bảo đảm ổn định giá cả, vừa thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng, đóng góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế Thủ đô.
Một trong những chương trình hành động trọng tâm của Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Chính vì vậy, việc hoàn thiện quy hoạch; xây dựng được các vùng, sản phẩm chủ lực cùng với những chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn rất cần được thực hiện kịp thời, bài bản, hiệu quả hơn, để có những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các cơ chế, chính sách cần hướng về cơ sở, hướng về người nông dân, đi vào thực tiễn, hướng tới gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Đặc biệt là khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sát sườn cho hơn 4 triệu người dân nông thôn trên địa bàn Thủ đô....
Phát biểu tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Hà Nội; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đến nay, Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã và 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số hạn chế, khó khăn, bất cập, đặc biệt là trong việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp; quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thị trường chưa ổn định, khó khăn về giá tiêu thụ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập của người nông dân.