Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Ủy ban Nhân dân Hà Nội trong việc bổ sung vốn ngân sách qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid-19.
Hà Nội sẽ ủy thác 650 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách thành phố để cho người nghèo vay vốn vượt khó. (Ảnh: CTV)
Cụ thể, nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác cho chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội năm 2020 (đợt 1) là 650 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết.
Về đối tượng, nguồn vốn ưu tiên cho hộ được giãn nợ, gia hạn nợ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là tới hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn. Thứ ba là các đối tượng chính sách khác. Thứ tư là cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút lao động.
Các ngành nghề được ưu tiên cho vay gồm các lĩnh vực bị ảnh hưởng với dịch bệnh Covid-19; các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, y tế cho nhân dân và các ngành nghề dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn.
Theo báo cáo của chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và đặc biệt là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất của người nghèo và các hộ chính sách tại Thủ đô. Qua rà soát bước đầu, dịch bệnh ảnh hưởng tới nhu cầu vay vốn bổ sung để khôi phục sản xuất, kinh doanh trong năm 2020 là khoảng 1.000 tỷ đồng cho 25.000 khách hàng (đủ điều kiện vay vốn) và nhu cầu bổ sung vốn để bù đắp số vốn chưa thu hồi được so với kế hoạch thu hồi trong năm 2020 là 412 tỷ đồng.
Cũng theo Ngân hàng chính sách xã hội, nhóm ngành nghề vay vốn bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành chăn nuôi, buôn bán nhỏ và kinh doanh dịch vụ, y tế, vận tải. Nhóm này đang có tổng dư nợ là 2.384 tỷ đồng và chiếm 28% tổng dư nợ cho vay.