Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gộp tết Nguyên đán và tết Tây: ‘Cần có công trình nghiên cứu khoa học và cụ thể’

Xung quanh vấn đề gộp tết ta (Nguyên đán) và tết Tây đang gây nhiều tranh cãi, TS Vũ Thế Long cho rằng, cần có một công trình nghiên cứu khoa học về vấn đề này trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Mấy năm gần đây, cứ tới gần Tết dư luận lại dấy lên tranh luận về việc có nên gộp Tết Tây và Tết Nguyên Đán làm một hay không.

Có không ít các ý kiến ủng hộ, phản bác từ nhiều giới, già trẻ, doanh gia, sử gia, các nhà văn hóa và những người dân bình thường. Các ý ủng hộ thường trích dẫn đề xuất của GS Võ Tòng Xuân, người đã nói tới việc này từ cách đây cả chục năm.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời VTC News, TS Vũ Thế Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội cho rằng cần phải có những nghiên cứu, đánh giá, khảo sát cụ thể hơn nữa về vấn đề này trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. 

Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên của nhiều gia đình người Việt. 

TS Vũ Thế Long cho biết: “Cần phải có một công trình nghiên cứu khoa học và cụ thể về vấn đề tết Tây cũng như tết ta. Cụ thể phải làm rõ ở Việt Nam bắt đầu ăn tết dương lịch (hay còn gọi là tết Tây) từ bao giờ?

Thực tế, người Việt xưa dùng lịch âm chứ không dùng lịch dương, nên xưa kia người Việt chỉ ăn tết Nguyên Đán. Thói quen nghỉ tết Tây là phải về sau này. Tôi cho rằng người Việt nghỉ tết dương lịch từ thời Pháp thuộc". 

Về ý kiến cho rằng nghỉ hai dịp tết (tết dương lịch nghỉ, tết Nguyên đán cũng nghỉ), gây nhiều phiền toái, lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.

vuthelong

Tăng thời gian nghỉ tết được xem như là một phương pháp dùng để “kích cầu” tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

TS Vũ Thế Long

TS Long phân tích: “Thời kỳ trước và sau 1954, rồi ngay cả thời kỳ sau giải phóng 1975, nghỉ tết cũng ngắn lắm, không kéo dài như bây giờ. Khi đó chỉ có nghỉ tết Nguyên đán và thời gian nghỉ cũng chỉ vài ba ngày thôi, vì ta hay nói là nghỉ ba ngày Tết mà.

Về sau, khi kinh tế bắt đầu mở cửa, Chính phủ mới cho nghỉ tết dài ngày. Tăng thời gian nghỉ tết được xem như là một phương pháp dùng để “kích cầu” tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Khi người dân nghỉ nhiều cũng là có nhiều thời gian để vui chơi giải trí, tăng mua sắm hàng hóa, tiêu dùng đẩy mạnh hơn... và sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội để tiêu thụ hàng hóa”.

Tuy nhiên, TS Vũ Thế Long cũng cho rằng thời gian nghỉ tết kéo dài cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh việc kích cầu, nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến một số lĩnh vực khác: “Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì việc nghỉ tết kéo dài sẽ làm mất nhiều thời gian dành cho sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất tạo ra sản phẩm.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thì đây lại là dịp để họ làm ăn, kiếm lời”.

“Cho nên ngay cả khi đánh giá ở góc độ kinh tế cũng phải nhìn cả hai mặt. Có những người thì máy móc nên nghĩ đến chuyện làm sao phải dành tất cả thời gian cho sản xuất, cho lao động, tạo ra thật nhiều của cải.

Nhưng ở góc độ văn hóa thì cũng cần nhìn nhận rằng, tết là dịp để người dân nghỉ ngơi, vui chơi, tái sản xuất sức lao động, quan trọng hơn là dịp đoàn tụ, gặp gỡ gia đình, bà con... đây cũng là truyền thống văn hóa của người Việt”, TS Vũ Thế Long nhận xét.

“Tôi cho rằng không chỉ nhìn nhận góc độ kinh tế mà còn phải nhìn nhận góc độ văn hóa nữa. Cho nên xung quanh vấn đề gộp tết ta (Nguyên đán) hay tết Tây đang gây nhiều tranh cãi hiện nay, nên có một công trình nghiên cứu khoa học về vấn đề này trước khi đưa ra kết luận cuối cùng”, TS Vũ Thế Long nói.

Tranh cãi ‘nảy lửa’

Ngày 7/2, nêu ý kiến trên Báo Lao Động, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, người đề xuất bỏ Tết là "thần kinh không bình thường".

Theo ông Biền, những ai vỗ ngực cho rằng bỏ Tết truyền thống là tiến bộ thì sự tiến bộ ấy hãy đi ra chỗ khác và hãy tiến bộ một mình đi. Đừng bắt người khác tiến bộ cùng.

"Ăn Tết hay về Tết là tinh thần tự nguyện của mỗi người… Nhiều người dân Việt Nam giờ đây lựa chọn những ngày Tết để đi du lịch. Đó cũng là một cách ứng xử với Tết âm lịch, nhưng đó không phải là số đông. Người Việt chủ yếu vẫn hướng về nguồn, về quê để sum vầy vào dịp Tết. Cái gì thuộc về số đông thì chớ dại đụng vào, còn ai đó bảo bỏ Tết hay phủ nhận thì đó là “thừa lưỡi”, PGS Trần Lâm Biền nói.

Ngay sau đó, chiều 8/2, trả lời VTC News, GS.TS Võ Tòng Xuân - người đề xuất gộp tết ta vào tết Tây cho rằng, không nên bận tâm những người như thế, việc của mình thì mình vẫn làm.

"Tôi hay tin mà thấy buồn cười, ông ấy nói người đề xuất bỏ Tết ta là thần kinh. Vậy chắc ông ấy cũng thần kinh rồi, vì trước giờ có ai nói bỏ Tết đâu. Tự nhiên đâu đâu khơi lên, tự nói và tự phán người khác thần kinh thì chắc ông ấy cũng không bình thường", GS Võ Tòng Xuân nói.

Cũng theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đề xuất gộp tết ta vào tết Tây là dựa trên lợi ích chung của đất nước, muốn đất nước hội nhập cùng thế giới thì phải theo quỹ đạo chung của thế giới.

Lưu Thủy

Tin mới