Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Google số hóa 3D công trình Lăng vua Tự Đức

Lăng vua Tự Đức là một trong 30 di tích trên toàn thế giới được Google số hóa 3D để trưng bày, giới thiệu trên toàn cầu.

Ngày 18/4, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xác nhận với PV VTC News, lăng vua Tự Đức (nằm trong Quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993) là 1 trong 30 di tích trên toàn cầu được Google số hóa 3D để trưng bày, giới thiệu.

Được biết, sự kiện này được Google thực hiện nhân ngày Di sản Thế giới (18/4), qua đó mở rộng dự án Di sản Mở bằng việc bổ sung thêm vào nền tảng này một bộ sưu tập những câu chuyện về những di tích đang có nguy cơ biến mất trên toàn thế giới.

Cùng với CyArk, Tổ chức Lịch sử Môi trường Scotland & Đại học Nam Florida, Google Arts and Culture sẽ trưng bày 30 di tích mới từ 13 quốc gia, bao gồm Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson Mỹ, Nhà thờ Chính tòa Mexico City, Đền thờ thần Apollo Hy Lạp và Lăng Tự Đức Việt Nam.

 Lăng vua Tự Đức là 1 trong số 30 di tích trên toàn thế giới được Google chọn để số hóa 3D quảng bá trên toàn cầu. (Ảnh: Khám Phá Huế)

Phiên bản số hóa 3D Lăng Tự Đức sẽ là di sản Việt Nam đầu tiên có mặt trong dự án Di sản Mở (Open Heritage) do Google phối hợp cùng CyArk thực hiện.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, năm 2018 cơ quan này hợp tác với Công ty Công nghệ Seagate và CyArk (Hoa Kỳ) thực hiện dự án số hóa tư liệu 2 công trình di tích lăng Tự Đức và Cung An Định.

Dự án được Công ty Công nghệ Seagate tài trợ thông qua Công ty CyArk với mục tiêu tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di tích Huế bằng mô hình ảnh 3D cũng như quảng bá hình ảnh Di sản Văn hóa Thế giới của Huế ra thế giới. Dự án được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12/2018.

Để triển khai dự án, tháng 6/2018, Công ty CyArk đã cử các chuyên gia đến Việt Nam và thực hiện các cuộc khảo sát trên không với máy bay không người lái drone, quét laser mặt đất (còn gọi là LiDAR) và quan trắc tại khu vực di tích lăng vua Tự Đức và cung An Định.

Song song với việc thực hiện số hóa hai di tích lăng Tự Đức và Cung An Định, chuyên gia CyArk đã kết hợp hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho một số cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nhằm cung cấp thông tin về những phần mềm ứng dụng; kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ; kỹ năng chụp quan trắc, quét bề mặt kiến trúc....

Trên cơ sở các dữ liệu và hình ảnh được chụp từ hiện trường, CyArk đã tiến hành tạo ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc để hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong công tác quản lý, bảo tồn di sản. Công ty CyArk và Công ty Công nghệ Seagate đã tương tác, hỗ trợ lẫn nhau ở cả hiện trường và tại văn phòng với các giải pháp xử lý và lưu trữ dữ liệu.

Công ty CyArk đã phối hợp cùng với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phân tích và sắp xếp các dữ liệu theo công trình, khu vực, mục đích sử dụng, v.v... và xử lý bằng các thiết bị chuyên dụng, xây dựng nội dung thuyết minh dữ liệu.

Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế).

Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức (1848 - 1883) lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, vào tháng 6/2017 một lăng mộ bà Cửu giai Tài nhân họ Lê (vợ vua Tự Đức) cách di tích lăng của vị vua này không xa bị một công ty tự ý san phẳng làm bãi đậu xe.

Từ đó đến nay đã gần 2 năm nhưng ngôi mộ bị san phẳng này vẫn chỉ được dựng tạm để thờ cúng, Dự án bãi đậu xe lăng vua Tự Đức - Đồng Khánh từ đó cũng "án binh bất động".

Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế và Nguyễn Phước tộc không tìm ra tiếng nói chung trong việc di dời hay không di dời lăng mộ nói trên. Trong khi chính quyền Thừa Thiên - Huế tỏ ra quyết tâm di dời thì Nguyễn Phước tộc lại một mực phản đối.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới