Thường vụ Quốc hội vừa nhất trí với việc ban hành các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 mà Chính phủ đề xuất. Như vậy, gói an sinh xã hội quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng sẽ nhanh chóng được giải ngân hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau, trong thời gian tối đa 3 tháng.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi)
Chia sẻ với VTC News, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - đánh giá, đây là gói hỗ trợ “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”, thể hiện tính nhân văn, tương thân tương ái, thiết thực của nhà nước Việt Nam với nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, phải làm rõ các tiêu chí phân nhóm đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, không để trục lợi, lạm dụng chính sách và xử lý nghiêm các sai phạm.
- Vì sao Chính phủ gấp rút trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, thưa ông?
Vì “gói hỗ trợ” này khác với tất cả các “gói hỗ trợ” khác mà Chính phủ đã thực hiện trước đây. Trong điều kiện dịch COVID-19 vô cùng nguy hiểm, tác động trên toàn cầu với quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, nguy cơ lây lan rất cao, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân đều vào cuộc để phòng chống với tinh thần “chống dịch như chống giặc".
COVID-19 là nguyên nhân dẫn đến ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, thu hẹp và hạn chế giao lưu xuất, nhập khẩu làm cho doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế nước ta. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.
Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh, con số này sẽ tăng lên khoảng 3,5 triệu.
- Thường vụ Quốc hội đã “gật đầu”, vấn đề quan trọng tiếp theo là gì, thưa ông?
Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất đề xuất của Chính phủ, song vấn đề quan trọng tiếp theo là phải làm rõ các tiêu chí phân nhóm đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, người lao động tự do; rồi các mức quy định đang có sự chênh lệch; hay trong hộ nghèo, cận nghèo thì phải tính đến hộ nhiều người, hộ ít người để bảo đảm sự hỗ trợ của Nhà nước công bằng và hợp lý.
Đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện tính nhân văn, tương thân tương ái, thiết thực của nhà nước Việt Nam với nhân dân.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đồng thời, để bảo đảm chính xác, nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương thì việc tổ chức triển khai thực hiện cho các đối tượng như: hộ nghèo, hộ cận nghèo hay lao động tự do nên giao cho các địa phương trên cơ sở nguồn lực của mình và thực tế địa phương để tự cân đối bảo đảm kịp thời và bao phủ hết các đối tượng.
Vấn đề quan trọng nữa là tiến độ. Dịch bệnh bùng phát đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, người lao động mất việc. Gói hỗ trợ phải nhanh chóng triển khai để giúp doanh nghiệp lấy lại phong độ, người lao động có thu nhập, bảo đảm cuộc sống trong thời gian chờ dịch bệnh qua đi. Đây là yếu tố sống còn, bởi chỉ cần chậm một nhịp, khi lao động phải bỏ việc, doanh nghiệp đóng cửa sẽ không thể gượng dậy lại được.
Video: Gần 40.000 cán bộ, giáo viên ở Hà Nội bị cắt, giảm lương vì COVID-19
- Các nhóm đối tượng được nêu trong chính sách đã bao phủ toàn diện người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội chưa? Những đối tượng nào cần được Chính phủ tập trung hỗ trợ?
Theo báo cáo của Chính phủ, 6 nhóm đối tượng được nêu trong chính sách dự kiến khoảng 20 triệu đối tượng và ngân sách chi dự kiến khoảng 62 nghìn tỷ đồng. Theo tôi, về cơ bản đã bao phủ hầu hết người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên có thể còn một số đối tượng cần được rà soát để bảo đảm không bị sót như: người lao động thuộc các cơ sở đã thực hiện cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục ngoài nhà nước, lao động di cư tự do…
Trong các nhóm đối tượng trên, có lẽ cần tập trung cho người lao động tự do, không có quan hệ lao động thuộc các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, nhưng rất khó thống kê, tổng hợp, hoặc đối tượng thuộc hộ nghèo; đặc biệt là người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.
- Thời gian hỗ trợ trước mắt là 3 tháng 4, 5 và 6, theo ông đã hợp lý?
Theo báo cáo của Chính phủ thì thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng nhưng theo tôi cần dự báo dài hơn để có biện pháp phòng ngừa. Thời gian phải hỗ trợ có thể dài hơn nếu dịch chưa được kiềm chế, nhằm chủ động bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và chuẩn bị cho sự phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
- Nhiều ý kiến cho rằng nông dân cũng rất khó khăn và chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 nhưng không nằm trong đối tượng được hỗ trợ. Ông nghĩ sao về việc này?
Truyền thống của dân tộc ta là phát huy sức mạnh toàn dân, những lúc khó khăn, hoạn nạn thì tinh thần chia sẽ càng được đề cao. Do vậy, rất cần sự đoàn kết, thống nhất cùng chia sẽ của cả cộng đồng xã hội, người dân, người lao động và Nhà nước để bảo đảm mọi người đều được bảo đảm an sinh xã hội. Riêng đối với người nông dân, chúng ta đã xác định hỗ trợ cho cả hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, nếu còn hộ nông dân nào bị giảm sâu thu nhập, chính quyền địa phương cần có giải pháp để bảo đảm cuộc sống, với phương châm là không để ai bị bỏ lại phía sau.
- Bên cạnh đó cũng có lo lắng rằng làm sao để chính sách có thể đến được với người dân, doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, những đối tượng cần hỗ trợ nhiều nhất?
Các chính sách được ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ cho đối tượng bị giảm thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của dịch COVID-19 và cũng phải đảm bảo đúng đối tượng công bằng, hợp lý, công khai, minh bạch, chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân. Không chỉ đặt gánh nặng này lên vai Nhà nước, doanh nghiệp mà ngay cả người dân cũng phải có sự chia sẻ.
Phải thanh tra, kiểm tra để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng không để trục lợi, lạm dụng chính sách và xử lý nghiêm các sai phạm. Cần phát huy vai trò giám sát của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội để bảo đảm ổn định xã hội.
- Xin cảm ơn ông!
Các nhóm đối tượng được Chính phủ đề nghị hỗ trợ trong thời gian 3 tháng, bao gồm:
1. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên sẽ được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng;
2. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.
Hai nhóm đối tượng nêu trên sẽ được chi tiền hỗ trợ một lần cho ba tháng.
3. Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 điều 98 của Bộ luật lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
4. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.
5. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.
6. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.