Thông tin này được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cung cấp ngày 28/12.
Theo đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%. Con số này thấp hơn gần 5 tỷ USD với mức 18 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư ước tính.
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú tổng kết một năm hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú ghi nhận, dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù kiều bào cũng gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương. Đây là nguồn ngoại tệ rất quan trọng trong điều kiện chúng ta còn khó khăn, cần nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển đất nước.
Tính đến 22/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020.
Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh. Đến ngày 20/12, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 607.000 tỷ đồng dư nợ kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất. Trong đó, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay các nhà băng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng vào khoảng 34.900 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong những tháng đã qua, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn duy trì quan điểm điều hành đồng bộ các công cụ chính sách để điều tiết thanh khoản phù hợp.
Trong đó, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất được cơ quan này điều hành theo hướng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong khi đó, tỷ giá được điều hướng linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp.
Về nợ xấu, Phó Thống đốc cho biết đây là một trong những thách thức đối với hệ thống trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu (gồm nợ bán cho VAMC) đã tăng lên 3,79%. Nếu xét đến các tác động của dịch, các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ, tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2% (cuối năm 2020 là 5,08%).
"Con số nợ xấu này không ai mong muốn nhưng do dịch bệnh nên chúng ta cần nhìn nhận khách quán để cùng xử lý. Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu này còn có thể cao hơn dịch tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế trong thời gian tới", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc nhấn mạnh, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu. Tuy nhiên, phương án tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch. Không tập trung vốn cho những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản bao gồm đầu cơ, vốn cho dự án lớn với rủi ro hệ số cao.