Tử Cấm Thành (hay còn gọi là Cố Cung) được xây dựng cách đây 600 năm, là nơi sinh sống của các vua chúa Trung Hoa thời nhà Minh và Thanh.
Trong ngót nghét 6 thế kỷ này, Tử Cấm Thành trải qua hơn 100 trận hỏa hoạn lớn nhưng hầu hết các kiến trúc bên trong công trình này cho đến hiện nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị.
Một phần nguyên nhân là nhờ hệ thống 72 giếng nước được bố trí dọc các cung điện. Theo ghi chép, các giếng nước đóng vai trò lớn việc việc dập tắt một số vụ hỏa hoạn lớn ở Cố Cung.
Cùng với đó, những giếng này cũng là nơi chứng kiến những thăng trầm của hai triều đại phong kiến Trung Quốc.
Một chiếc giếng bên trong Tử Cấm Thành. (Ảnh: Sohu)
Theo các tài liệu nghiên cứu, vào cuối thời nhà Thanh (tháng 5/1900), khi liên quân 8 nước đánh chiếm Bắc Kinh, Từ Hi Thái hậu được cho là đã sai người ném nhiều châu báu xuống giếng trước khi tháo chạy khỏi Tử Cấm Thành vì sợ số bảo vật này rơi vào tay kẻ thù.
Năm 1901, sau khi hiệp ước Tân Sửu được kí kết, Từ Hi Thái Hậu mới từ Tây An trở về kinh thành.
Tuy nhiên, bà không ra lệnh vớt số châu báu đã vứt xuống giếng trước đó. Các cung nhân cũng không dám làm vậy vì sợ bị trách phạt nếu bị phát hiện.
Thông tin về các giếng chôn vùi châu báu này phần nào được chứng thực vào năm 1995 khi người ta vô tình trục vớt được một món đồ sứ tinh xảo từ một cái giếng ở phía tây Tử Cấm Thành.
Tuy nhiên, hiện tại, các chuyên gia đều thống nhất sẽ không trục vớt số châu báu trong giếng do lo ngại việc sử dụng máy móc có nguy cơ phá hủy các di tích hàng trăm năm tuổi này.
Kể cả khi trực vớt thành công, các cổ vật trong giếng cũng không còn giữ được hiện trạng ban đầu do nhiều năm bị chôn vùi dưới đáy giếng.